Phần lớn khoản tài trợ cho dự án này, đã được Duma Quốc gia Nga phê duyệt, sẽ được cung cấp cho Viện nghiên cứu khoa học ôtô và động cơ nhà nước Nga (NAMI), đơn vị sẽ đảm nhiệm vai trò thiết kế tổng thể.
NAMI sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện dự án, với nhiệm vụ chính là thống nhất cơ sở linh kiện cho nền tảng này. Nền tảng mới cũng sẽ được sử dụng để sản xuất các loại xe hybrid và đặc biệt là xe điện trong tương lai.
Hiện Rosatom - tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia của Nga - đang xây dựng hai nhà máy lớn để sản xuất pin và có kế hoạch xây dựng các bộ phận khác của xe điện trong tương lai. Rosatom cũng dự định sản xuất hệ thống truyền động điện cũng như vật liệu composite để giảm trọng lượng xe.
Số tiền hỗ trợ dự kiến gồm 25,6 tỷ ruble (249 triệu USD) trong các năm 2025 và 2026, và tăng lên 36,6 tỷ ruble (356 triệu USD) vào năm 2027.
Nhà máy đầu tiên sẽ được xây dựng tại vùng Kaliningrad, có công suất thiết kế 4 GWh mỗi năm. Nền tảng xe điện với mô-đun pin đa năng sẽ được phát triển. Việc kết hợp nền tảng, môtơ điện và pin chiếm hơn 60% chi phí của một chiếc ôtô điện.
Nếu dự án này được thực hiện với mức độ địa phương hóa 80%, hơn 300.000 việc làm mới sẽ được tạo ra.
Sản xuất ôtô tại Nga đã giảm đáng kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Năm 2021, khoảng 1,34 triệu xe được sản xuất tại quốc gia này, nhưng con số giảm xuống còn 448.246 vào năm 2022. Khi nhiều hãng xe lâu đời rời khỏi Nga, nhiều thương hiệu Trung Quốc lại thâm nhập và bắt đầu sản xuất các mẫu xe mới tại các nhà máy bị bỏ lại bởi các hãng xe phương Tây.
Nhưng đến 2023, ngành công nghiệp ôtô Nga bắt đầu phục hồi. Cụ thể, sản lượng xe xuất xưởng đạt 720.000 chiếc.
Dữ liệu từ cơ quan phân tích Autostat của Nga cho biết doanh số bán xe mới năm 2023 đạt 1,06 triệu chiếc, tăng đến 69% so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn chưa bằng kết quả 1,51 triệu xe hồi 2021, trước khi xung đột Ukraine nổ ra. Vào tháng 12, doanh số bán ôtô mới tăng đến 110% so với cùng kỳ.
Mỹ Anh (theo Wards Auto)