Các hãng xe Nhật Bản gồm Honda, Mazda, Toyota, Suzuki và Yamaha mới đây đã thông báo về những bất thường trong quá trình kiểm định sản phẩm.
Sự việc diễn ra sau khi Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và cung cấp phụ tùng báo cáo các vi phạm liên quan tới quy trình cấp chứng nhận để xe có thể xuất xưởng. Hiện cơ quan chức năng Nhật Bản đã yêu cầu các hãng trên tạm dừng giao một số mẫu xe.
Toyota Yaris Cross được nhắc tên, xe tại Việt Nam có liên quan?
Theo Tập đoàn Toyota (TMC), hãng đã tiến hành rà soát hồ sơ kiểm định kiểu loại của tất cả các mẫu xe theo hướng dẫn của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) từ ngày 26/1.
Trong quá trình này, Toyota phát hiện 7 mẫu xe trong đó có một số mẫu đã ngừng sản xuất từ 2014, được thử nghiệm bằng phương pháp khác với tiêu chuẩn của chính phủ Nhật Bản. Theo tập đoàn này, sự việc đã được báo cáo MLIT vào ngày 31/5.
Vấn đề nằm ở chỗ hồ sơ kiểm định kiểu loại của các mẫu xe này liên quan đến dữ liệu không đầy đủ trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe, liên quan đến 3 mẫu xe đang sản xuất, gồm Corolla Fielder, Axio và Yaris Cross. Ngoài ra, 4 mẫu xe đã ngừng sản xuất là Crown, Isis, Sienta và RX, có lỗi trong phương pháp thử nghiệm va chạm và các thử nghiệm khác.
Trong những cái tên được nêu, Yaris Cross quen thuộc với khách Việt, nhưng xe này được cho là không liên quan đến thị trường nước ta.
Cụ thể, Yaris Cross bán tại Nhật Bản được phát triển trên nền tảng TNGA (Toyota New Global Architecture), còn Yaris Cross tại Việt Nam là phiên bản sử dụng khung gầm DNGA (Daihatsu New Global Architecture) và xe được nhập khẩu từ Indonesia.
Toyota Việt Nam cho biết cùng là cái tên Yaris Cross nhưng sản phẩm tại Nhật không phải xe bán ở nước ta và cũng không có các yếu tố kỹ thuật liên quan đến mẫu tại Việt Nam.
Tập đoàn Toyota cho biết đã tiến hành kiểm tra nội bộ và thấy rằng những bất thường trên không ảnh hưởng đến hiệu suất hay an toàn, kiểm tra khí thải… của các mẫu xe trên. Bởi vậy, các sản phẩm này vẫn được sử dụng bình thường mà không gặp vấn đề gì.
Tuy nhiên, Toyota Nhật Bản nói sẽ dừng xuất xưởng, xuất kho xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross (bản nội địa Nhật Bản).
Cụ thể những bất thường trên xe của Toyota là gì?
Trong thông báo phát đi, các hãng xe Nhật Bản đều cho biết có những ghi nhận cho thấy việc không tuân thủ quy định chứng nhận sản xuất của chính phủ Nhật Bản. Điều này cho thấy quy trình cấp hồ sơ kiểm định kiểu loại các sản phẩm chưa hợp lệ, nhưng chưa khẳng định sản phẩm có vấn đề.
Thực tế, một số dữ liệu thử nghiệm của Toyota gửi lên chính phủ Nhật sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn mức cần thiết.
Ví dụ, khi thử nghiệm va chạm với người đi bộ cho mẫu Corolla Fielder (wagon) và Corolla Axio (sedan), Toyota đã sử dụng góc va chạm 65 độ theo tiêu chuẩn JNCAP, trong khi quy định của chính phủ Nhật là góc va chạm chỉ 50 độ.
Khi thử nghiệm mẫu Crown và Sienta về nguy cơ rò rỉ nhiên liệu khi xe bị đâm từ phía sau, Toyota đã dùng xe đẩy 1.800kg, nặng hơn nhiều so với tiêu chuẩn chỉ 1.100kg của MLIT.
JNCAP, giống như NCAP, là tiêu chuẩn thử nghiệm va chạm tự nguyện. Tuy nhiên, để đáp ứng được cả tiêu chuẩn tự nguyện JNCP và tiêu chuẩn bắt buộc MLIT, hãng phải thực hiện ít nhất hai bài thử nghiệm. Các kỹ sư của Toyota đã không có đủ thời gian làm như vậy và chỉ nộp dữ liệu thu được từ thử nghiệm theo tiêu chuẩn cao hơn.
Các kỹ sư Toyota phải tiến hành thử nghiệm để xuất xưởng khoảng 50 đầu xe mỗi năm và đã nộp hơn 7.000 báo cáo trong 10 năm qua.
Vấn đề với Honda, Mazda và Suzuki là gì?
Liên quan đến sự việc, Mazda thông báo đã điều tra tất cả 2.403 cuộc kiểm tra thử nghiệm và phát hiện bất thường trong 5 cuộc kiểm tra ở 2 hạng mục. Thông tin đã được báo cáo với MLIT ngày 30/5 và đã xác định rằng 150.787 chiếc được sản xuất bị ảnh hưởng - tất cả đều ở Nhật Bản.
Một trong những bất thường liên quan đến thử nghiệm va chạm. Trong bài kiểm tra về khả năng bảo vệ người ngồi trong trường hợp va chạm trực diện, điểm bất thường là một thiết bị bên ngoài đã được sử dụng để kích hoạt kích hoạt túi khí, thay vì nó tự kích hoạt dựa trên việc phát hiện va chạm bằng cảm biến trên xe.
Sản phẩm bị ảnh hưởng bởi bất thường này là Atenza (Mazda6) cũng như Axela (Mazda3). Công ty nói rằng các mẫu xe trên không còn được sản xuất, đồng thời cho rằng xe vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý về khả năng bảo vệ hành khách trong trường hợp xảy ra va chạm trực diện.
Vi phạm thứ hai của Mazda liên quan đến việc viết lại phần mềm điều khiển động cơ trong quá trình thử nghiệm hai mẫu xe vẫn đang được sản xuất. Nó bao gồm Roadster RF (Mazda MX-5 RF) và Mazda2.
Theo giải thích của công ty, thử nghiệm trên những mẫu xe này lẽ ra phải được thực hiện bằng phần mềm điều khiển động cơ giống với xe sản xuất thương mại hàng loạt. Tuy nhiên, nó lại được kiểm tra với phần mềm điều khiển mà trong đó chức năng điều chỉnh thời điểm đánh lửa đã bị vô hiệu hóa một phần.
Với trường hợp này, Mazda cho biết đã tạm dừng xuất xưởng hai mẫu trên từ 30/5, song cho rằng khách hàng vẫn có thể điều khiển phương tiện bình thường vì nó không liên quan đến an toàn.
Hiện nay, Honda là cái tên có nhiều mẫu bị ảnh hưởng nhất. Công ty cho biết đã phát hiện việc nhập dữ liệu không chính xác vào các bài kiểm tra liên quan tới tiếng ồn và công suất động cơ của 22 mẫu xe đã bán ra thị trường, trong đó có Fit, CR-Z, Accord…
Tuy nhiên, công ty cũng khẳng định rằng các xe an toàn và đã đạt tiêu chuẩn chất lượng của doanh nghiệp; các mẫu xe hiện tại không bị ảnh hưởng.
Về phần Suzuki, bê bối thử nghiệm chỉ liên quan tới duy nhất mẫu Alto được sản xuất trong thời gian từ năm 2014 đến 2017.