Trong thông báo đưa ra hôm 20/12, hãng xe lớn nhất Nhật Bản cho biết thương hiệu con Daihatsu sẽ dừng mọi hoạt động vận chuyển với tất cả các xe. Sự việc là hậu quả của bê bối an toàn liên quan tới 64 mẫu xe, gồm gần 20 mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota.
Một ủy ban độc lập đã điều tra Daihatsu sau khi hãng thừa nhận vào tháng 4, rằng đã tùy chỉnh phần bên trong cửa xe của các mẫu xe được thử nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ khi va chạm, giúp cửa xe không bị gãy, vỡ tạo thành dạng sắc nhọn có thể làm bị thương người trên xe khi túi khí bên bung ra. Tổng cộng 88.000 xe Toyota Vios và Perodua Axia liên quan tới hành vi gian dối.
Perodua là hãng xe Malaysia mà Daihatsu giữ 25% cổ phần. Mẫu Axia hiện hành được phát triển dựa trên nền tảng DNGA của Daihatsu.
Sự gian lận về thử nghiệm an toàn dường như đang kéo theo những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những đánh giá ban đầu, và có thể làm ô uế danh tiếng về chất lượng và độ an toàn của cả hai thương hiệu Nhật Bản.
Daihatsu cũng là hãng con chuyên về xe cỡ nhỏ của Toyota và sản xuất một số mẫu keicar vốn rất phổ biến ở Nhật Bản. Bê bối trên còn ảnh hưởng tới một số mẫu Mazda và Subaru bán ở thị trường nội địa, cũng như một số mẫu Toyota và Daihatsu ở thị trường nước ngoài do những liên quan trong quá trình hợp tác phát triển.
Toyota nói rằng việc "cải tổ từ nền tảng" là cần thiết để giúp Daihatsu tái sinh, cũng như phải đánh giá, xem xét những hoạt động đã được cho phép. Hãng Nhật cũng nói có thể chưa xác định tác động tài chính từ bê bối.
Quá trình điều tra thấy rằng các thiết bị túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm túi khí của một số mẫu có khác biệt so với túi khí trên những xe bán ra thị trường, gồm các mẫu Toyota Town Ace và Pixis Joy cũng như Mazda Bongo (mẫu van và bán tải dựa trên xe Daihatsu và Toyota).
Toyota cho biết không nhận được báo cáo tai nạn nào liên quan tới những gian lận về an toàn.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nhật Bản nói có thể thực hiện một cuộc điều tra hiện trường tại các trụ sở của Daihatsu ở Osaka vào ngày 21/12.
Theo thông tin từ Daihatsu trong buổi họp báo, việc giao xe đi thị trường nước ngoài có thể bị đình chỉ đến khi xe được các nhà quản lý cho phép tiếp tục được bán ra.
"Tình huống đặc biệt nghiêm trọng", chủ tịch Daihatsu, Soichiro Okudaira, nói, thêm rằng bất cứ sự cho phép nào mà hãng nhận được sau vụ gian lận đều có thể bị hủy bỏ bởi luật pháp.
Gian lận còn bao gồm những báo cáo giả mạo về các thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe. Cuộc điều tra thấy các vụ gian lận đặc biệt phổ biến từ sau 2014.
Makoto Kaiami, chủ tịch ủy ban điều tra của bên thứ ba, nói ủy ban không tin rằng Toyota phải chịu trách nhiệm cho việc gian lận, mà Daihatsu đang cố tìm cách để đạt những kỳ vọng mà hãng tự đặt ra.
Sau khi thừa nhận hành vi gian dối vào tháng 4, trong tháng tiếp theo, Daihatsu cho biết đã dừng bán mẫu hybrid Toyota Raize và Daihatsu Rocky khi thấy những vấn đề trong thử nghiệm với hai sản phẩm này.
Daihatsu sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm nay, với gần 40% số đó là ở các nhà máy nước ngoài, theo dữ liệu từ Toyota. Hãng bán được khoảng 660.000 xe trên khắp thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số của hãng mẹ Toyota.
Ngày 19/12, Toyota nói những mẫu xe liên quan tới bê bối gồm cả xe cho thị trường ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cũng như khu vực Trung và Nam Mỹ, với Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay.
Daihatsu là bê bối về an toàn mới nhất tác động đến tập đoàn Toyota trong những năm qua.
Scandal dữ liệu động cơ ở chi nhánh xe tải của hãng, Hino, vào năm 2022 từng dẫn tới vụ từ chức và cắt giảm tạm thời một số vị trí quản lý. Trong vụ việc này, Hino thừa nhận đã cung cấp dữ liệu sai lệch về khí thải cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu cho chính phủ đối với ba dòng động cơ do hãng sản xuất.
Trước đó, năm 2010, Toyota rơi vào cuộc "khủng hoảng chân ga" khi nhiều khách hàng Mỹ gặp tình huống xe tăng tốc đột ngột và thậm chí sau khi được sửa, xe vẫn gặp tình trạng tương tự.
Mỹ Anh (theo Japan Times)