Trang The Star của Malaysia đã phỏng vấn cô Candi Wan, người có chị gái bị cảnh sát giao thông tuýt còi khi đang lái xe đi nghỉ ở Penang.
Khi đó, chị gái cô đang lái xe và xem chỉ đường bằng ứng dụng trên điện thoại. "Cô ấy đặt điện thoại trong lòng và chỉ cầm điện thoại vài phút để kiểm tra lại thông tin chỉ đường", cô Wan nói.
Một cảnh sát đã nhìn thấy chị cô cầm điện thoại nên tuýt còi yêu cầu dừng xe.
"Chúng tôi nói với cảnh sát rằng cô ấy chỉ cầm điện thoại lên một tẹo, còn lại điện thoại chủ yếu nằm trong lòng cô ấy. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết ngay cả việc đặt điện thoại trong lòng cũng sai", cô Wan nhớ lại. Chị của cô sau đó đã nhận được giấy triệu tập, yêu cầu cô lên làm việc với cơ quan chức năng trước tháng 8.
Đại diện cảnh sát địa phương giải thích rằng tài xế không được đặt điện thoại trong lòng. Thay vào đó, họ nên sử dụng giá đỡ điện thoại lắp ở vị trí mà họ có thể liếc nhìn ngang tầm mắt như màn hình giải trí. Việc đặt điện thoại trên đùi hoặc trong lòng khiến tài xế có lúc phải nhìn xuống, rời mắt khỏi đường, dẫn tới nguy cơ tai nạn.
Ngay cả khi dùng giá đỡ điện thoại, tài xế không được thường xuyên chạm vào màn hình. "Hãy dừng xe để kiểm tra thông tin dẫn đường. Khi bạn đang chỉnh điện thoại trên giá đỡ, có thể xuất hiện chướng ngại vật phía trước.
Tài xế cũng không được nhận cuộc gọi trên điện thoại di động khi đang dừng xe chờ đèn đỏ vì việc đó có thể gây cản trở giao thông nếu tài xế mải điện thoại mà không nhận thấy đèn đã chuyển sang màu xanh.
Người sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe có thể bị phạt tới 1.000 ringgit (5 triệu đồng) hoặc lĩnh án tù giam 3 tháng. Người vi phạm lần thứ 2 có thể bị phạt tới 2.000 ringgit và ngồi tù 6 tháng, hoặc cả hai.