Trong quý III, BYD bán được 1,13 triệu xe, tăng 38% so với cùng kỳ 2023, lần đầu tiên vượt qua Ford để trở thành hãng ôtô lớn thứ 6 trên thế giới. Ford bán ít hơn khoảng 40.000 xe trong cùng kỳ, tụt xuống vị trí thứ 7. Trong 9 tháng đầu năm, Ford vẫn đứng trước với doanh số toàn cầu đạt 3,3 triệu xe, chỉ nhỉnh hơn một chút so với 3,25 triệu xe của BYD.
Nếu duy trì đà tăng trưởng, BYD có thể vượt qua Ford trong cả năm 2024 và đạt mốc hơn 4 triệu xe bán ra. Nhưng không chỉ BYD, các hãng ôtô Trung Quốc khác cũng đang tạo áp lực cho các nhà sản xuất truyền thống.
Geely tăng trưởng doanh số 14% trong ba quý đầu năm với 820.000 xe, đứng thứ 9 sau Honda. Chery - hãng lớn thứ ba Trung Quốc - đạt vị trí thứ 12 với mức tăng trưởng 27%, đạt 550.000 xe.
Theo Nikkei Asia, nhiều thương hiệu từ Nhật Bản, châu Âu và Mỹ ghi nhận sự sụt giảm trong quý vừa qua. Toyota giảm 4% xuống còn 2,73 triệu xe, nhưng vẫn đứng trước tập đoàn Volkswagen với mức giảm 7% xuống còn 2,17 triệu xe. Hyundai đứng vững ở vị trí thứ ba dù doanh số giảm 3% còn 1,77 triệu xe. Stellantis chịu thiệt hại nặng nhất với mức giảm tới 20% xuống còn 1,14 triệu xe.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của BYD còn giúp cải thiện tài chính của hãng. Trong quý ba, BYD đạt doanh thu 201 tỷ nhân dân tệ (27,6 tỷ USD), cao hơn Tesla với 25,2 tỷ USD.
BYD hiện là nhà sản xuất ôtô hàng đầu tại Trung Quốc, vượt qua các hãng như Volkswagen, Toyota, Honda và Changan. BYD cũng dẫn đầu về xe điện với 26% thị phần trong năm 2023. Một số hãng xe, bao gồm Ford, gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này.
BYD chưa bán xe tại Mỹ và Canada - thị trường chủ yếu của Ford - nhưng đã nghiên cứu việc xây dựng nhà máy ở Mexico để tránh thuế nhập khẩu khi vào khu vực này.
Mỹ Anh