Phía đại lý cho biết, BYD Tang EV đã được nhập về và sẵn sàng mở bán, với mức giá 1,569 tỷ đồng. Trước đó, thông tin về mẫu xe này tạo tranh cãi trong cộng đồng khi tên sản phẩm theo cách đọc tại Việt Nam có phần nhạy cảm, khơi gợi sự đau buồn.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, đại diện của BYD Việt Nam xác nhận hãng không có lễ ra mắt chính thức cho mẫu xe này, nhưng vẫn mở bán tùy theo nhu cầu của khách hàng. Như vậy, BYD Tang EV sẽ được phân phối theo dạng đơn đặt hàng.
Bước đi này của BYD được giới chuyên gia đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Những khách hàng tiềm năng của BYD Tang sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tên gọi của sản phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thị trường thu hút đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc. Việc phân phối Tang EV theo dạng đặt hàng để ngỏ cơ hội sở hữu xe nội địa với những doanh nhân đến từ quốc gia tỷ dân này.
Giá bán của BYD Tang EV đang cao hơn đáng kể so với các mẫu xe xăng/dầu cùng cỡ. Một số đối thủ như Ford Everest có giá 1,099-1,545 tỷ đồng hay Hyundai Santa Fe là 1,069-1,365 tỷ đồng. Thậm chí, mức giá này còn ngang một mẫu SUV cỡ E như Hyundai Palisade (1,469-1,589 tỷ đồng).
BYD Tang EV sở hữu ngôn ngữ thiết kế có nhiều điểm tương đồng với "đàn em" Atto 3 đã mở bán tại Việt Nam, nhưng tổng thể góc cạnh và khỏe khoắn hơn. Xe về nước ta thuộc phiên bản cao nhất, sở hữu hệ thống đèn full LED và mâm hợp kim 21 inch. Tuy nhiên, chi tiết cấu hình trang bị chưa được hé lộ.
Về khả năng vận hành, xe được trang bị 2 mô-tơ điện ở cầu trước và sau, đều có mô-men xoắn là 350Nm. Tuy nhiên, công suất tối đa của 2 mô-tơ điện này có sự khác biệt, phía trước là 241 mã lực còn phía sau là 268 mã lực.
Theo công bố của nhà sản xuất, phạm vi hoạt động của phiên bản này là 635km, theo chu trình kiểm nghiệm CLTC tại Trung Quốc. Nếu quy đổi sang tiêu chuẩn WLTP được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, con số này sẽ là 521km.