Hơn 9 triệu chiếc Volvo với động cơ dầu được sản xuất từ 1991. Dòng xe này cũng chiếm một nửa doanh số của hãng trên thị trường toàn cầu trong những năm 2012-2026.
Đánh dấu sự kết thúc là một chiếc XC90 máy dầu, đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Torslanda, Thụy Điển. Điểm dừng chân của chiếc xe này là bảo tàng World of Volvo ở Gothenburg.
Chiếc SUV cỡ lớn dành cho trưng bày dùng động cơ turbo 2 lít, 4 xi-lanh thẳng hàng từ VEA (Volvo Engine Architecture) có từ năm 2013. Đây cũng là động cơ dầu thứ hai được Volvo phát triển và sản xuất trong lịch sử 97 năm của hãng. Động cơ đầu tiên ra mắt năm 2001, là loại 5 xi-lanh được sản xuất tại nhà máy ở Skovde, Thụy Điển.
Nhà máy này đã chuyển đổi để sản xuất các môtơ điện cho dòng xe thuần điện đang phát triển mạnh mẽ của hãng. Tính đến hết 2030, Volvo đặt mục tiêu là thương hiệu chỉ bán xe điện. Sự chuyển dịch có ý nghĩa quan trọng khi vào những năm 2010, phần lớn xe Volvo bán ra ở châu Âu trang bị động cơ dầu.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào tháng 7/2017. Đó là khi cựu CEO của Volvo, Hakan Samuelsson, đề cập tới việc chuyển sang động cơ điện hóa, thông báo rằng hãng có thể dừng phát triển động cơ dầu. Lúc này, áp lực ngày càng tăng lên dòng động cơ dầu, gồm cả nguy cơ cấm xe dầu tại các trung tâm thành phố ở châu Âu.
Lịch sử của Volvo với động cơ dầu dẫn tới quan hệ đối tác với Volkswagen và PSA/Peugeot-Citroen (giờ là một phần của tập đoàn Stellantis). Xe dầu đầu tiên của Volvo - 244 GL D6 từ năm 1979 - trang bị động cơ dầu 6 xi-lanh từ Volkswagen.
Khi Volvo ra mắt dòng động cơ Drive-E năm 2008, có sự tham gia của loại máy dầu 1,6 lít là kết quả hợp tác với PSA. Volvo nói xe với động cơ dầu có thể đi 1.300 km với bình đầy nhiên liệu, và mức khí thải đủ thấp để được xếp hạng "động cơ xanh" ở Thụy Điển.
Thời gian trôi qua, mọi thứ cũng thay đổi. Từ "xanh" không còn đi cùng động cơ dầu. Tương lai ở Volvo và nhiều hãng xe khác là "chỉ điện".
Mỹ Anh (theo Automotive News)