Theo thông tin đăng tải hôm 14/2 trên tờ Nikkei của Nhật, BYD - nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc - đang cân nhắc mở một nhà máy xe điện mới ở Mexico, với mục tiêu thiết lập một trung tâm xuất khẩu xe sang Mỹ.
Theo nguồn tin của Nikkei, BYD đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng nhà máy ở Mexico và đang trong quá trình đàm phán với cơ quan chức năng nước này về các điều kiện, bao gồm cả địa điểm của nhà máy.
Mặc dù chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, nhưng thương hiệu ô tô điện Trung Quốc này cũng đặt mục tiêu mở rộng hoạt động ra toàn cầu và đang tăng cường xây dựng các nhà máy mới ở nước ngoài, song song với việc đẩy mạnh xuất khẩu xe từ Trung Quốc.
BYD đã mở các nhà máy mới ở Thái Lan trong năm ngoái, quyết định lắp ráp xe ở Indonesia và công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Hungary trong vòng 3 năm tới, cũng là nhà máy đầu tiên của công ty ở châu Âu.
Tại khu vực Mỹ Latin, BYD có kế hoạch chi 3 tỷ real (khoảng 620 triệu USD) để xây một khu liên hợp sản xuất ô tô ở đông bắc Brazil.
Tổ hợp 3 nhà máy sẽ được xây dựng ở bang Bahia phía đông bắc, trên khu đất trước đây thuộc sở hữu của một nhà máy Ford đã đóng cửa vào năm 2021.
Trong khi đó, để tấn công thị trường Mỹ, việc đặt nhà máy ở Mexico được cho là hợp lý. Lĩnh vực sản xuất ô tô khổng lồ của Mexico, nơi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu trong ngành, có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp Mỹ.
"Việc sản xuất ở nước ngoài là không thể thiếu đối với một thương hiệu quốc tế", giám đốc BYD tại Mexico, ông Zhou Zou, chia sẻ với Nikkei. Và Mexico được coi là một thị trường quan trọng, có tiềm năng lớn.
Văn phòng của nhà sản xuất ô tô BYD tại Mexico từ chối bình luận về thông tin này.
Tháng trước, CEO Elon Musk của Tesla cho rằng các hãng xe Trung Quốc, trong đó có BYD, có thể "hạ gục" các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới nếu không có các rào cản thương mại.
Lợi ích lớn nhất của việc sản xuất xe tại Mexico là giảm chi phí xuất khẩu xe sang Mỹ. Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada siết hạn ngạch sản xuất cho các nhà sản xuất ô tô muốn hưởng lợi từ việc xuất khẩu xe miễn thuế sang thị trường Mỹ.
Hàng loạt các cuộc biểu tình đã khiến chi phí nhân công tại Mỹ tăng cao, dẫn tới sự chênh lệch về tiền lương giữa Mỹ và Mexico ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, điều kiện để người mua xe điện tại Mỹ được hưởng ưu đãi thuế là xe phải được lắp ráp trong khu vực Bắc Mỹ và có giới hạn về nguồn gốc cụm pin. Các hãng xe điện của Trung Quốc không có nhà máy sản xuất ở Bắc Mỹ có thể sẽ rơi vào thế bất lợi.