Các nhà nghiên cứu của Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng John A. Paulson (SEAS) thuộc Đại học Harvard đã phát triển được loại pin thể rắn có thể sạc chỉ trong 10 phút và có tuổi thọ hơn 6.000 lần sạc, cực kỳ lý tưởng cho ô tô điện trong tương lai.
Pin thể rắn do các nhà khoa học của Harvard phát triển sử dụng cực dương làm bằng kim loại lithium, thay vì than chì. Cực dương loại mới này được giới thiệu là có khả năng lưu trữ năng lượng cao gấp 10 lần cực dương bằng than chì.
Ngoài ra, pin thể rắn này sử dụng các hạt silicon siêu nhỏ (kích thước micron) để ngăn chặn việc hình thành các sợi nhánh trên bề mặt cực dương bằng lithium, làm hỏng hàng rào ngăn cách cực dương và cực âm, dẫn đến nguy cơ đoản mạch hoặc chập cháy.
Các hạt silicon siêu nhỏ có vai trò hạn chế phản ứng ở bề mặt nông, và các lithium ion bám vào bề mặt hạt silicon siêu nhỏ mà không thâm nhập sâu hơn. Nhờ quá trình mạ và bong tróc diễn ra nhanh chóng trên bề mặt phẳng nên pin có thể được sạc đầy trong khoảng 10 phút.
Nguyên mẫu pin thể rắn do các nhà nghiên cứu của Harvard phát triển có kích cỡ chỉ như con tem và cho biết nó vẫn giữ được 80% dung lượng sau 6.000 lần sạc, cao hơn nhiều so với loại pin truyền thống.
"Cực dương làm bằng lithium được xem như "chén thánh" trong công nghệ pin, vì chúng có công suất cao gấp 10 lần cực dương làm bằng than chì phổ biến hiện nay và có thể giúp tăng đáng kể phạm vi hoạt động của ô tô điện", phó giáo sư Xin Li thuộc ngành khoa học vật liệu của SEAS cho biết.
Văn phòng Phát triển công nghệ Đại học Harvard đã đăng ký bản quyền công nghệ này.
Pin thể rắn đang được coi là tương lai của ô tô điện. Toyota là một trong số các nhà sản xuất ô tô đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ pin mới này.
Gần đây, hãng cho biết sẽ tung ra thị trường các mẫu xe điện dùng pin thể rắn trong vài năm tới. Loại pin này có thời gian sạc chỉ khoảng 10 phút và cho xe phạm vi hoạt động lên tới 1.200km.