Một ủy ban độc lập đã tiến hành điều tra thương hiệu Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota) sau khi hãng này, hồi tháng 4, thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra an toàn của khoảng 88.000 xe cỡ nhỏ; phần lớn trong số đó được bán dưới thương hiệu Toyota.
Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây cho thấy phạm vi của vụ bê bối gian lận an toàn này còn lớn hơn rất nhiều và đã diễn ra từ rất lâu trước đó, có thể phá hủy danh tiếng của cả hai về chất lượng và độ an toàn.
Daihatsu là thương hiệu xe cỡ nhỏ thuộc tập đoàn Toyota, nổi tiếng với các mẫu xe "tí hon" (kei car) rất được ưa chuộng tại Nhật.
Những vấn đề mới được phát hiện còn ảnh hưởng tới một số xe mang thương hiệu Mazda và Subaru bán tại thị trường nội địa Nhật Bản, cùng nhiều mẫu xe Toyota và Daihatsu bán ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí đăng trên website toàn cầu của tập đoàn, Toyota cho biết cần một cuộc "cải tổ cơ bản" để hồi sinh Daihatsu, cũng như rà soát toàn bộ hoạt động cấp chứng nhận sản phẩm.
"Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, không thể tiến hành trong ngày một ngày hai", Toyota cho biết. "Việc này không chỉ đòi hỏi phải rà soát hoạt động quản lý và kinh doanh của công ty, mà còn rà soát toàn bộ doanh nghiệp".
Toyota cho biết họ chưa thể xác định mức độ thiệt hại về tài chính của vụ bê bối này.
Cuộc điều tra của ủy ban độc lập đã phát hiện ra rằng bộ phận kiểm soát túi khí mà Daihatsu sử dụng trong các bài kiểm tra túi khí cho một số mẫu xe khác với loại dùng trên xe bán ra thị trường, trong đó có mẫu Toyota Town Ace và Pixis Joy, cùng mẫu Mazda Bongo.
Toyota chưa ghi nhận bất cứ vụ tai nạn nào liên quan tới vấn đề bê bối gian lận này. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản cho biết các bài kiểm tra va chạm bên hông của hai mẫu xe trên có thể không đúng quy định, dù vẫn có xác nhận rằng túi khí đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cho người ngồi trong xe.
Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết sẽ tiến hành thanh tra trụ sở của Daihatsu ở Osaka vào ngày 21/12.
Gian lận nghiêm trọng
Trong cuộc họp báo hôm 20/12 tại Tokyo, các lãnh đạo của Daihatsu cho biết công ty sẽ dừng xuất xe ra nước ngoài, cho đến khi sản phẩm được cơ quan chức năng cho phép bán trở lại.
"Tình hình đặc biệt nghiêm trọng", chủ tịch Soichiro Okudaira của Daihatsu cho biết, đồng thời nói thêm rằng tất cả các chứng nhận, giấy phép mà họ đạt được bằng cách gian lận sẽ bị hủy bỏ.
Hành vi gian lận còn bao gồm các báo cáo sai lệch về các bài kiểm tra tựa đầu và tốc độ thử nghiệm của một số mẫu xe. Theo kết quả điều tra, việc gian lận đặc biệt phổ biến sau năm 2014 và xa nhất là từ năm 1989, với một mẫu xe Daihatsu hiện đã dừng sản xuất.
Ông Makoto Kaiami, chủ tịch ủy ban điều tra bên thứ ba, cho biết họ không tin rằng Toyota có dính líu tới việc gian lận này, mà là Daihatsu tự ý gian lận để đạt các kỳ vọng của hãng.
Bê bối nổ ra vào tháng 4 khi Daihatsu cho biết đã phát hiện gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn sau khi nhận được tin báo. Hãng đã báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng và dừng giao hàng đối với các mẫu xe bị ảnh hưởng.
Sau đó khoảng một tháng, Daihatsu cho biết đã dừng bán xe Toyota Raize hybrid và Daihatsu Rocky sau khi phát hiện có vấn đề trong quá trình thử nghiệm hai sản phẩm này.
Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm nay, với gần 40% số đó là tại các nhà máy ở nước ngoài, theo dữ liệu của Toyota. Hãng đã bán ra khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong 10 tháng đầu năm, chiếm 7% doanh số của Toyota.
Toyota cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng được bán ở các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cùng các nước ở Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chilê, Bolivia và Uruguay.