Sau những thách thức và con số kinh doanh biết nói, Nissan Motor đã định hình bước tiến mới cho tham vọng điện hoá ô tô. Và lựa chọn đó sẽ gắn liền với e-Power - công nghệ phát triển dựa trên nền tảng của hệ truyền động hybrid nhưng có sự khác biệt với các đối thủ đồng hương như Toyota, Honda hay Mitsubishi…
Bài học kinh nghiệm và thực tế đúc rút từ những thành công và cả thất bại của chiếc BEV Nissan LEAF đã giúp Nissan cho ra đời e-Power - Công nghệ được (Nissan Motor) coi là bước đệm hoàn hảo cho quá trình điện hoá của nền công nghiệp ô tô.
Công nghệ này (series-hybrid) được coi là phù hợp nhất cho các thị trường mới nổi (như ASEAN) khai thác thế mạnh của hệ thống vận hành bằng mô-tơ điện và giải quyết được bài toán trạm sạc (bao gồm cả vị trí trạm sạc và thời gian sạc).
Nissan tại khu vực ASEAN vừa tổ chức một sự kiện tại Thái Lan để giới thiệu rõ hơn về những thành tự của mình liên quan đến công nghệ e-Power. Thái Lan hiện là nơi đặt nhà máy của Nissan, đang sản xuất các mẫu xe cho khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam), bao gồm các dòng xe ICE như Almera, GT-R, Navara, Terra…, mẫu xe điện LEAF và cả mẫu Kicks dùng công nghệ e-Power.
Đây là dịp để giới truyền thông trong khu vực được tìm hiểu kỹ hơn về quá trình phát triển cũng như tham quan nhà máy, nơi đang sản xuất các mẫu xe sử dụng công nghệ e-Power thế hệ thứ hai (có trên Kicks tại Việt Nam).
Nhà máy của Nissan tại Thái Lan đặt tại tỉnh Samut Prakan và đã có lịch sử hơn 50 năm (thành lập năm 1960 trong một liên doanh với Siam Motor). Năm 2018, nhà máy mày bắt đầu sản xuất mẫu xe điện LEAF cho thị trường nội địa và đến năm 2020, nhà máy này bắt đầu sản xuất Kicks dùng công nghệ e-Power cho thị trường Thái Lan và xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Hiện tại nhà máy này có 2 nhà máy với tổng công suất 500.000 xe/năm với khoảng 2.600 công nhân. Nhà máy còn sản xuất linh kiện cho 93 thị trường trên toàn cầu trong hệ thống của Nissan Motor (ngoại trừ châu Âu và Bắc Mỹ) và xuất khẩu xe tới 116 thị trường khác nhau, ngoài ra nhà máy này còn được hỗ trợ bởi một trung tâm R&D và đường thử ngay trong khu vực nhà máy.
Hệ thống truyền động e-Power của Nissan được sản xuất ngay trong nhà máy, trong đó cụm pin lithium-ion cũng được đóng gói tại đây. Cùng với các dây chuyền sản xuất động cơ, khung gầm, dây điện… Nissan Kicks e-Power hiện đã có tỷ lệ nội địa hoá trên 90%, đáp ứng thừa yêu cầu để được thuế suất ưu đãi nội khối ASEAN.
Trong khuôn khổi sự kiện, đại diện Nissan khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã có cuộc chia sẻ với truyền thông trong khu vực về e-Power cũng như những kế hoạch trong tương lai liên quan đến xe điện của Nissan tại khu vực này. Cụ thể, tại sự kiện Ông Isao Sekiguchi - CEO của Nissan Motor khu vực ASEAN xung quanh câu chuyên về e-Power và tương lai mảng xe điện của Nissan tại khu vực này:
Ông nghĩ sao khi Nissan bị đánh giá là có dải phẩm không phong phú như các đối thủ tại thị trường ASEAN?
Trở lại những năm 2019, Nissan phải đối mặt với một số khó khăn về tài chính. Giai đoạn 2019 cũng là lúc Nissan đặt trọng tâm nhiều hơn vào thị trường Mỹ & Trung Quốc; các kế hoạch tại ASEAN, không may cũng bị kéo dài hơn dự kiến và ảnh hưởng ít nhiều, đó cũng là lý do trong một khoảng thời gian, Nissan không giới thiệu sản phẩm mới đều đặn hàng năm.
Chúng tôi cũng được hỏi tại sao Nissan có rất nhiều sản phẩm mới nhưng không được giới thiệu tại thị trường ASEAN. Điều này cũng có nhiều lý do, một số sản phẩm đã có tại Nhật Bản có giá thành khá cao; và Nissan cần trả lời câu hỏi, liệu những sản phẩm này có phù hợp ở những quốc gia ASEAN không.
Một ví dụ về thị hiếu khách hàng, chúng tôi nhận thấy các thị trường ASEAN khá ưa chuộng một số option như cửa sổ trời mặc dù đều là các thị trường có khí hậu khá nóng, điều này khác với Nhật Bản khi khách hàng hiếm khi sử dụng cửa sổ trời.
Trong quá khứ, Nissan thường giới thiệu những mẫu xe toàn cầu, với thiết kế và công nghệ đi kèm giống nhau tại mọi quốc gia. Nhưng chúng tôi nhận thấy, nếu giữ nguyên cách làm như vậy trong hiện tại thì Nissan sẽ tự đánh mất cơ hội cạnh tranh.
Vì các thị trường sẽ có những đặc tính khác nhau, khách hàng tại ASEAN cũng sẽ khác với các khách hàng tại Nhật Bản, việc Nissan cần làm là nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của từng thị trường và đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất có thể.
Với tư cách là Chủ tịch Nissan khu vực ASEAN, ông đánh giá như thế nào về các đối thủ đến từ Trung Quốc, khi mà họ đang phát triển cả về EV và hybrid?
Chúng tôi nhận thấy rất rõ mức độ phát triển của những thương hiệu đến từ Trung Quốc, đặc biệt là vài năm trở lại đây. Nissan cũng thừa nhận tốc độ phát triển của các sản phẩm xe Trung Quốc nhanh hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu.
Các khó khăn khi đối diện với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc không chỉ xảy ra tại ASEAN mà thậm chí là cả Châu Á và Châu Âu. Và đây là thời điểm không chỉ Nissan mà cả các Thương hiệu xe Nhật khác cần thiết lập lại chiến lược của mình.
Điều này cũng sẽ được thể hiện rất rõ qua chiến lược trung hạn mà Nissan sẽ công bố vào tháng 3 năm sau. Đồng thời, Nissan cũng đưa ra mục tiêu thương mại hóa pin thể rắn vào năm 2028. Điểm mạnh của Nissan là chúng tôi đã có một quá trình dài phát triển cũng như hoạt động tại thị trường Đông Nam Á, chúng tôi sở hữu công nghệ, có lịch sử dài với các giải thưởng và sự thấu hiểu thị trường.
Hiện tại xu hướng ủng hộ và sử dụng xe điện tại Việt Nam nhờ các thương hiệu nội địa và đến từ Trung Quốc, liệu Nissan Motor có một kế hoạch cụ thể nào dành cho phân khúc xe EV tại Việt Nam không?
Chúng tôi tự tin vào thị trường Việt Nam và muốn khẳng định; Việt Nam là thị trường với tiềm năng phát triển rất lớn. Việt Nam có các thế mạnh về dân số trẻ và nền kinh tế đang trên đà phát triển. Chúng tôi cũng đồng thời, nhận thức được rất rõ những thay đổi trong ngành cũng như sự xuất hiện và phát triển của những đối thủ cạnh tranh khác.
Đối với xe điện, chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu và đánh giá cần thiết để đưa ra những quyết định phù hợp, chúng tôi hứa sẽ chia sẻ với các bạn trong thời gian phù hợp nhất
Bên cạnh đó, một câu chuyện đáng quan tâm là Việt Nam cũng sẽ có những khó khăn tương tự thị trường Nhật Bản, với vấn đề lớn về nguồn điện, đặc biệt là tại các thành phố lớn trong thời gian cao điểm mùa hè, trong bối cảnh tốc độ phát triển xe điện có thể sẽ tăng quá nhanh trong vài năm tới.
Ngoài ra, tại Nhật, mặc dù số lượng trạm sạc nhiều hơn trạm xăng nhưng thị phần xe điện mới chỉ chiếm 5%. Tuy nhiên, sau tất cả, khách hàng chính là người quyết định đâu là sản phẩm phù hợp nhất với mình. Công nghệ và sản phẩm sẽ được phát triển dựa trên nhu cầu của khách hàng, điều đó sẽ là thứ Nissan cần tìm hiểu và nghiên cứu.
Trong khi đợi chờ xe điện phát triển hơn trong tương lai, cho đến thời điểm đó e-POWER vẫn đang là giải pháp phù hợp, nhưng là phương tiện phát thải CO2, Nissan có cân nhắc đến các giải pháp nhiên liệu sinh học khác?
Câu hỏi này cũng đã được thảo luận tại Japan Motor Show vừa qua. Nissan hiện đang có một số lựa chọn về công nghệ mới. Chúng tôi đang nghiên cứu xe pin nhiên liệu Hydro và cũng đang tiến hành rất nhiều các nghiên cứu khác liên quan đến nhiên liệu sinh học tại Nhật Bản.
Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ cũng như nhu cầu của khách hàng sẽ quyết định sự phát triển của các công nghệ này. Hiện tại Nissan chưa có kế hoạch đưa các sản phẩm sử dụng nhiên liệu sinh học vào thị trường ASEAN, e-POWER sẽ là công nghệ được ưu tiên và phát triển trọng tâm. Tôi tin, thực tế các hoạt động trong thời gian tới sẽ chứng minh được những tuyên bố của Nissan hôm nay.
Kicks đã được giới thiệu tới thị trường hơn 1 năm, tại Nhật Bản cũng đã có X-Trail và Serena e-Power, vậy tiềm năng cho X-Trail e-Power tại thị trường ASEAN là như thế nào?
Chúng tôi nhận thấy e-Power đang được đón nhận và có tiềm năng lớn tại khu vực ASEAN. Chiến lược của Nissan trong tương lai cũng sẽ xoay quanh điện khí hóa, trong đó e-Power và EV đại diện cho hai công nghệ trụ cột, hướng đến mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, giảm khí thải, đồng thời mang đến lựa chọn đa dạng cho người sử dụng.
Các quyết định về việc nhân rộng mô hình e-Power sẽ được dựa trên nhu cầu và phản hồi tích cực từ khách hàng. Và tôi tin, Việt Nam cũng tương tự như Thái Lan, làn sóng ủng hộ các công nghệ xe xanh đang ngày một tăng.
Nissan sẽ đẩy nhanh hơn các kế hoạch tương lai và chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện kế hoạch trung hạn toàn cầu từ tháng 4/2024 đến tháng 3/2027. Kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng 3 năm sau với rất nhiều cột mốc quan trọng, bao gồm cả kế hoạch cho thị trường ASEAN.
Ông có đánh giá rằng e-Power sẽ phù hợp cho các xe thương mại? Ví dụ như một mẫu xe bán tải hoặc một chiếc xe chở khách có sẵn sàng để đón nhận công nghệ này của Nissan?
Tôi nghĩ việc đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của khách hàng và tất nhiên cũng sẽ phụ thuộc vào từng thị trường. Ví dụ như tại Thái Lan, khi xe bán tải được dùng với mục đích chính là tải hàng và trọng lượng tải rất cao, có khi đến 2-3 tấn.
Công nghệ pin trong thời điểm hiện tại có thể chưa phù hợp cho các xe bán tải tại Thái Lan, tuy nhiên mọi thứ đang thay đổi, và việc phát triển xe thương mại theo nền tảng BEV đang được hướng tới.
Như tôi đã chia sẻ, Nissan sẽ sớm thương mại hóa pin thể rắn vào năm 2028 và khi đó, với sự phát triển của công nghệ sẽ mở ra rất nhiều lựa chọn về sản phẩm, bao gồm cả khả năng cho một mẫu bán tải EV hay e-Power
Chia sẻ thêm với các bạn, mặc dù điện khí hóa đang là xu thế toàn cầu và mặc dù ở Trung Quốc, nơi tỉ lệ chấp nhận xe điện rất cao nhưng tại nhiều thành phố vẫn sử dụng xe ICE như là phương tiện chủ đạo do các khó khăn về cơ sở hạ tầng.