Australia, cùng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, đang được cảnh báo rằng nếu chậm trễ trong việc chuyển đổi sang ô tô điện thì có thể trở thành nơi trú ngụ của các loại ô tô gây ô nhiễm môi trường.
Tổ chức tư vấn phi chính phủ Carbon Tracker có trụ sở tại London (Anh) cho biết trong bối cảnh Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ siết chặt các quy định, buộc người dân chuyển sang sử dụng xe điện, các nhà sản xuất ô tô chỉ có thể dựa vào những nước thiếu mạnh tay, hoặc thậm chí không có các mục tiêu khử cacbon, để tiêu thụ xe công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.
Carbon Tracker nhấn mạnh rằng Ấn Độ, Australia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia, Nga và Nam Phi rất ít hoặc không hề nỗ lực để tăng lượng xe điện trong lưu thông.
Tổ chức này cũng cảnh báo rằng các nước này có thể gặp khó khăn hơn trong việc nhập khẩu xe điện đã qua sử dụng từ các nước chú trọng bảo vệ môi trường hơn, vì các nước này sẽ ủng hộ các giải pháp tái chế, nhằm giữ chân ô tô điện đã qua sử dụng ở trong nước mình.
Báo cáo chỉ ra rằng các quốc gia không có kế hoạch dừng bán xe xăng có thể sẽ tự nhốt mình vào một vòng lặp khiến họ tổn hại về mặt tài chính.
Ví dụ, châu Phi chi 80 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu nhiên liệu, nhưng Carbon Tracker ước tính rằng châu Phi, châu Á và Nam Mỹ cộng lại có thể tiết kiệm hơn 100 tỷ USD nhập khẩu nhiên liệu và cải thiện cán cân thương mại nếu họ đưa ra các chính sách thúc đẩy việc tiêu thụ xe điện.
Hãng thông tấn Bloomberg cho biết, Carbon Tracker khuyến nghị chính phủ ở những khu vực này nên giúp đẩy nhanh quá trình thay đổi bằng cách đưa ra các giới hạn phát thải chặt chẽ hơn, hạn chế nhập khẩu ô tô đời sâu đã qua sử dụng, và thúc đẩy sản xuất ô tô điện trong nước.