Những lo ngại từ các nhà sản xuất lithium bao gồm chậm trễ trong cấp phép khai thác, thiếu hụt nhân sự và lạm phát. Những yếu tố này có thể cản trở khả năng cung cấp đủ lithium cho hoạt động sản xuất pin xe điện, từ đó có thể khiến quá trình điện hóa bị chậm lại trên quy mô toàn cầu.
Từng là một kim loại được sử dụng chủ yếu trong gốm sứ và dược phẩm, lithium hiện là một trong những kim loại được săn đón nhất thế giới, khi các nhà sản xuất ôtô lớn đang có nhiều kế hoạch đẩy mạnh ôtô điện, chưa kể các startup dòng xe này từ khắp nơi trên thế giới.
Hồi tháng 4, S&P Global cho biết nhu cầu lithium toàn cầu sẽ vượt khoảng 3% so với sản lượng lithium có thể cung ứng trong năm nay. Albemarle, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, dự kiến nhu cầu lithium toàn cầu sẽ vượt quá nguồn cung 500.000 tấn vào năm 2030.
Trong tuần này, công ty pin lithium Lake Resources thông báo trì hoãn dự án, lô pin sản xuất từ dự án lithium Kachi ở Argentina phải dời lịch hẹn giao, kéo dài thêm ba năm, lý do là vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng và nguồn cung cấp điện cho nhà máy.
Stu Crow, chủ tịch Lake Resources, cho biết trong hội nghị Nguyên liệu thô về Pin và Lithium của Fastmarkets tại Las Vegas: "Tình huống khủng hoảng khi các công ty sản xuất pin không có được nguồn lithium dồi dào là có thể xảy ra".
Theo Fastmarkets, có 45 mỏ lithium đang hoạt động trên thế giới vào năm ngoái, 11 mỏ dự kiến sẽ mở trong năm nay và 7 mỏ vào năm tới. Tốc độ này thấp hơn nhiều so với những gì các chuyên gia cho là cần thiết để đảm bảo nguồn cung đủ cho toàn cầu.
Ngay cả khi nhiều mỏ lithium được mở, vẫn có thể không có đủ cơ sở vật chất nhằm gia công kim loại chuyên dụng cho pin. Các nhà sản xuất ôtô có thể buộc phải chấp nhận pin lithium chất lượng thấp, giảm phạm vi hoạt động, các giám đốc điều hành cho biết.
Sarah Maryssael, đại diện từ Livent, công ty cung cấp lithium cho Tesla cho biết: "Có một sự khác biệt lớn giữa lithium mới khai thác từ lòng đất và lithium đã qua xử lý để sản xuất pin".
Tân Phan (theo Reuters)