Tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam thu hút nhiều hãng xe ngoại quốc đến tìm cơ hội kinh doanh. Sau xe Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... phân khúc phổ thông đón nhận làn sóng mới của xe Trung Quốc khi nhiều hãng lên kế hoạch bán xe thương mại, thậm chí có thương hiệu muốn xây nhà máy để kinh doanh lâu dài.
Dưới đây là những mẫu xe Trung Quốc dự kiến mở bán trong 2023:
Wuling Hongguang Mini EV
Hongguang Mini EV là cái tên được khách Việt chờ đợi nhất trong số những mẫu xe Trung Quốc sắp bán bởi mức giá được nhà sản xuất kỳ vọng "rẻ nhất thị trường ôtô". Mẫu xe giá rẻ nhất hiện nay là Hyundai i10, giá 360-455 triệu đồng.
Wuling Hongguang được công ty TMT Motors, đối tác của liên doanh GM (General Motors) - SAIC - Wuling (SGMW), hoàn thiện tại nhà máy ở Hưng Yên. Đại diện công ty cho biết, hãng dự kiến cho khách đặt hàng từ quý II.
Mẫu xe điện cỡ nhỏ có chiều dài cơ sở chỉ 1.940 mm, tức nhỏ hơn khá nhiều so với một chiếc Kia Morning, cấu hình dạng 4 chỗ. Môtơ điện trên Wuling Hongguang Mini EV có công suất 27-41 mã lực. Quãng đường di chuyển khoảng 120-300 km sau khi sạc đầy pin. Tốc độ tối đa 100 km/h, nhưng tối ưu khoảng 68-80 km/h. Thời gian sạc khoảng 6-9 giờ bằng nguồn dân dụng 220 V.
Loạt xe của Omoda và Jaecoo
Chery quay lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng và bán hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo. Dự kiến hai mẫu Omoda 5 và Jaecoo 7 lần lượt ở hai phân khúc CUV cỡ B và B+ sẽ có mặt trên thị trường vào cuối 2023.
Ban đầu, hai mẫu xe này bán bằng hình thức nhập khẩu Indonesia, sau đó tiến tới lắp ráp trong nước. Omoda 5 cạnh tranh với các đối thủ như Hyundai Creta, Kia Seltos. Trong khi Jaecoo 7 cùng hạng với Mazda CX-30 và Toyota Corolla Cross.
Omoda 5 bán ở Việt Nam dự kiến có hai phiên bản, gồm 1.5 Turbo dẫn động cầu trước, hộp số CVT và 1.6 Turbo dẫn động 4 bánh toàn thời gian, hộp số ly hợp kép 7 cấp. Bản động cơ 1.5 cho công suất 154 mã lực, mô-men xoắn 230 Nm. Bản 1.6 đạt sức mạnh 197 mã lực, sức kéo 290 Nm.
Với Jaecoo 7, hiện chưa rõ cấu hình động cơ của xe tại Việt Nam. Ở thị trường Trung Quốc, xe lắp máy 1,6 lít giống chiếc Omoda 5.
Loạt xe của Haima
Carvivu, nhà phân phối xe Haima tại Việt Nam, cho biết hãng sẽ nhập khẩu 3 dòng xe Haima, gồm 8S, 7X và 7X-E với mục tiêu sớm nhất có thể bán từ nửa sau 2023. Hiện các sản phẩm này đang trong quá trình đăng ký, làm các thủ tục đăng kiểm.
Haima 7X là mẫu MPV 7 chỗ cạnh tranh Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz. Trong khi đó, 7X-E là biến thể thuần điện của mẫu MPV. Hãng phân phối dự kiến giá từ 1 tỷ đồng cho 7X-E, hướng đến những khách hàng ưa thích xe điện và trải nghiệm công nghệ.
Mẫu 8X cạnh tranh ở phân khúc CUV cỡ C đang khá chật chội với hàng loạt đối thủ mạnh như Mazda CX-5, Honda CR-V... Tất cả các sản phẩm của Haima sẽ được bán thông qua hai showrom tại Hà Nội, và một showroom ở TP HCM. Tuy vậy thời gian showroom hoạt động, chính sách hậu mãi, bảo hành chưa được tiết lộ.
Zhidou A01
Với mức giá dự kiến khoảng 100 triệu đồng, Zhidou A01 là mẫu xe giá rẻ nhất thị trường nếu được bán thương mại ở Việt Nam. Công ty chuyên ôtô điện cỡ nhỏ của Trung Quốc, Zhidou cho biết sẽ liên doanh với một đối tác trong nước để lắp ráp mẫu xe này. Kế hoạch bán A01 dự kiến bắt đầu từ quý III.
Zhidou A01 có kích thước dài x rộng x cao lần lượt 2.500 x 1.202 x 1.625 mm, chiều dài cơ sở 1.030 mm. So với chiếc Kia Morning có chiều dài gần 3.600 mm, trục cơ sở 2.400 mm, chiều dài A01 bằng khoảng 2/3.
Mẫu xe điện Trung Quốc thiết kế đơn giản. Hàng trước chỉ một ghế tài xế, bởi vậy cả ghế và vô-lăng đặt chính giữa xe. Táp-lô cũng chỉ có một màn hình. Hàng ghế sau là dạng băng dài, ngồi khoảng hai người lớn, và chỉ trang bị dây an toàn hai điểm giống trên xe khách. Xe không có cốp.
A01 trang bị môtơ điện công suất 2,2 kW, tức thấp hơn nhiều một chiếc Wave Alpha (6,12 kW). Xe dùng pin axit chì hoặc lithium 60V, 80 Ah, đặt dưới ghế sau, tốc độ tối đa là 45-50 km/h. Xe có tính năng sạc nhanh, khoảng 30 phút để đầy pin. Xe có thể di chuyển hơn 100 km khi pin đầy.
Phạm Trung