Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2011 và sau đó là các cuộc khủng hoảng ở châu Âu thời kỳ 2010-2013, ngành công nghiệp ôtô chứng kiến một lượng đáng kể các thương hiệu lần lượt rời đi.
Những cuộc khủng hoảng đã giáng đòn trực tiếp tới doanh số và khiến thị trường bị thu hẹp về khối lượng. Nhiều hãng xe buộc phải từ bỏ các thương hiệu yếu hơn để tìm đến sự tăng trưởng.
General Motors (GM) có thể là nhà sản xuất chịu tác động lớn nhất. Cuối những năm 1990, danh mục của hãng gồm 9 thương hiệu khác nhau. Giờ đây chỉ còn lại 4.
Chrysler và Ford cũng bỏ bớt một số thương hiệu con trong 20 năm qua như Plymouth, Eagle và Mercury. Ở châu Âu, các thương hiệu như Rover và Saab cũng biến mất, trong khi một số khác như Lancia từ thương hiệu chỉ còn là tên gọi một mẫu xe.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, bối cảnh là sự tương phản. Những năm đầu thế kỷ này, thị trường Trung Quốc chỉ có khoảng 25 thương hiệu ôtô. Thời kỳ đó, quốc gia Đông Á chủ yếu sản xuất các sản phẩm bắt chước xe châu Âu và Nhật và bán cho khách hàng nội địa. Giữa 2001-2010, thêm 14 thương hiệu xuất hiện.
Khi nhu cầu tiếp tục tăng và thu nhập của khách hàng Trung Quốc cũng cao hơn, ngành công nghiệp bắt đầu ra mắt thêm các mẫu xe từ các thương hiệu mới. Giữa 2011-2015, tổng cộng 12 thương hiệu mới gia nhập thị trường nội địa: Maxus, Beijing Auto, VGV, Haval, Xpeng, Nio, Cowin (hiện là Kaiyi), Hozon, Leap Motor, Weltmeister, Enovate và Li Auto.
Sự tham gia của xe điện và sự thịnh hành của dòng xe này, cùng với cam kết mạnh mẽ của chính phủ dẫn đến sự nở rộ các thương hiệu mới. Từ 2016 đến nay, có đến 50 hãng ôtô mới tại khu vực này, cho phép khách hàng Trung Quốc lựa chọn mua xe trong tổng cộng 99 thương hiệu khác nhau. Nhưng cũng vì thế, lĩnh vực sản xuất ôtô của Trung Quốc vừa lớn và còn rất trẻ: 58% số này chưa đến 10 năm tuổi.
Hàng năm, thị trường Đông Á tiêu thụ khoảng 25 triệu ôtô con. Trong 2022, Trung Quốc chiếm gần 32% doanh số xe toàn cầu, hay bằng doanh số của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức cộng lại.
Vì thế, có rất nhiều cơ hội cho mọi người. Vì lý do này, chiến lược - giống bối cảnh thị trường Mỹ những năm 1970 và 1980 - là mở rộng nguồn cung bằng việc ra mắt nhiều mẫu xe chia sẻ với các thương hiệu khác và định vị đa dạng hơn. 99 thương hiệu ngày nay thuộc khoảng 40 tập đoàn ôtô. Tuy nhiên, không phải tất cả đều thành công. Những năm gần đây, một số thương hiệu đã phải rút lui vì doanh số thấp.
Sự năng động của thị trường ôtô Trung Quốc cũng là một điểm đặc biệt. Nhu cầu nội địa khổng lồ, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, và cam kết phát triển xe điện là kịch bản hoàn hảo để ra mắt các thương hiệu mới. 6 thương hiệu đã gia nhập thị trường chỉ trong năm nay, với thêm 3 thành viên khác dự kiến xuất hiện đến cuối năm.
Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc không có cùng câu chuyện như thế. Thực tế, trong 8 năm qua, chỉ một số ít thương hiệu được thành lập hay còn sống sót.
Mỹ Anh (theo Motor1)