8 vị bộ trưởng giao thông từ CH Czech, Đức, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Hungary và Slovakia đã gặp mặt hôm 13/3 nhằm tìm cách làm thay đổi đề xuất của EU về việc hạn chế khí thải xe hơi, theo Reuters.
Theo dự thảo luật Euro 7, các quốc gia và các nhà lập pháp thuộc EU sẽ bắt đầu thảo luận trong năm nay, có thể siết chặt giới hạn đối với khí thải có hại cho sức khỏe con người, trong đó có khí nitơ đioxit (NO2). EU nói rằng những lợi ích về sức khỏe có giá trị hơn nhiều so với chi phí liên quan.
Nhưng các quốc gia như nêu trên lại phản đối các quy định thuộc dự thảo mà theo họ, là gây phiền toái tới ngành công nghiệp ôtô. Phần lớn các nước này phát triển mạnh về lĩnh vực sản xuất ôtô.
Một quan chức EU nói rằng các vị bộ trưởng đã bàn luận về thời hạn "phi hiện thực" cũng như những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
"Nỗ lực của chúng tôi, trong thời kỳ Euro 7, là khiến những điều kiện này thực sự mang tính thực tiễn để có thể đạt được", Bộ trưởng Giao thông CH Czech, Martin Kupka, nói.
Liên minh cũng thảo luận về một loạt giải pháp trước thời hạn 2035 đối với dòng xe có khí thải CO2.
Luật khí thải CO2 - công cụ chính của EU nhằm thúc đẩy châu Âu chuyển dịch sang xe điện - vướng phải sự phản đối vào phút cuối của Đức. Điều này gây ngạc nhiên với các nhà hoạch định chính sách ở Brussels cũng như các thành viên khác, khi mà các quốc gia thuộc EU cũng như Nghị viện châu Âu vốn đã đồng ý với một thỏa thuận về dự luật hồi năm ngoái.
Đức - với sự ủng hộ từ các quốc gia như Italy và CH Czech - muốn đảm bảo rằng ôtô mới với động cơ đốt trong vẫn có thể được bán ra sau 2035, nếu chạy bằng loại nhiên liệu trung hòa carbon (CO2-neutral).
Những quốc gia khác có những quan điểm khác. Ví như Ba Lan từng nói rằng sự phản đối của họ không trực tiếp nhắm tới dạng nhiên liệu có thể sử dụng từ sau 2035, và rằng dự thảo có thể khiến các loại động cơ đốt trong đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng, vì thế sẽ hạn chế được việc sử dụng.
EU nói rằng mốc 2035 mang tính quyết định vì vòng đời trung bình của xe mới là 15 năm - vì thế lệnh cấm muộn hơn có thể ngăn EU đạt mục tiêu phát thải khí về 0 đến hết 2050 - cột mốc toàn cầu mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn ngừa thảm họa biến đổi khí hậu. Các phương tiện giao thông vận tải chiếm khoảng 20% khí thải nhà kính của EU.
Những thành phần khác của ngành công nghiệp ôtô châu Âu cũng đang nỗ lực vận động hành lang nhằm làm suy yếu đạo luật tương lai của EU. Giám đốc điều hàng hãng Porsche, Oliver Blume, nói hôm 13/3, rằng hãng đang "thực hiện các bước thích hợp" nhằm đảm bảo nhiên liệu tổng hợp (e-fuel) có thể được sử dụng cho ôtô động cơ đốt trong từ sau 2035.
Mỹ Anh