Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đã uống rượu bia là không lái xe, nhưng quy định pháp luật cần dựa trên thực tiễn. Theo tôi, việc quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe như hiện nay là quá cứng nhắc, không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng phạt oan, gây bức xúc cho người dân.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP áp dụng từ ngày 1/1/2020, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt hành chính và tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX). Quy định này đồng nghĩa với việc nồng độ cồn của người điều khiển xe dù là 0,01 miligam/1 lít khí thở cũng sẽ bị phạt.
Tôi hiểu rằng như vậy là cơ quan chức năng muốn đảm bảo việc người dân tuyệt đối không lái xe sau khi đã uống rượu, bia, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp dù không uống rượu, bia nhưng qua kiểm tra nồng độ cồn bằng thiết bị đo hơi thở của cảnh sát giao thông (CSGT) thì chỉ số vẫn lên trên mức 0 và bị phạt. Vậy là "tình ngay lý gian"!
Vì sao lại như vậy? Tôi tìm hiểu thì được biết việc ăn uống đồ có men, như sữa chua nếp cẩm hay nước siro, hoặc các loại thực phẩm chứa nhiều đường, như nho, sầu riêng, quả vải..., cũng có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể, nhưng đó thực sự là mức không gây ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và khả năng kiểm soát hành vi của một người có sức khỏe bình thường.
Khi băn khoăn về quy định xử phạt của Việt Nam với nồng độ cồn trên mức 0, tôi có tìm hiểu luật pháp một số nước thì thấy hầu hết đều có quy định giới hạn cho phép ở ngưỡng trên 0.
Ví dụ, ở Trung Quốc, quy định phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện có giới hạn là từ 0,02%. Ở Na Uy, người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 0,02mg/lít khí thở cũng sẽ bị phạt. Trong khi đó tại Nhật Bản, giới hạn là 0,15mg/lít khí thở. Ở Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia và nhiều nước khác, giới hạn là 0,05mg/lít khí thở. Ở Mỹ và Canada, giới hạn là 0,08mg/lít khí thở.
Chỉ có rất ít nước quy định đúng mức 0 như Việt Nam, đó là Bangladesh, Brazil, Hungary, Iran, hay Pakistan...
Tôi cho rằng CSGT có thể dễ dàng phân biệt được ai là người có nồng độ cồn do uống rượu bia, ai là người có nồng độ cồn do thực phẩm. Tuy nhiên, như vậy thì vẫn là dựa vào cảm tính. Tôi nghĩ đã là quy định pháp luật thì cần chính xác và hợp lý.
Độc giả Phúc Minh
Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.