Ngày 29 /10/1995, Fennell và chồng bị bắt cóc tại garage ở nhà riêng ở San Francisco. Đứa con trai sơ sinh ở hàng ghế sau, còn hai vợ chồng bị những kẻ bắt cóc đẩy vào cốp sau của một chiếc Lexus.
Fennell cùng chồng tìm mọi cách để thoát khỏi cốp xe, khi hai tên bắt cóc đang phóng nhanh trên đường quốc lộ 101. Sau một hồi xé tung phần vải lót cốp, dây điện và phá mọi chỗ trong cốp, người chồng tìm được phần dây cáp nối với lẫy mở cốp. Lúc này anh giật dây và cả hai thoát khỏi xe. Fennell liên hệ với cảnh sát báo cáo sự việc. Say đó giới chức tìm thấy đứa trẻ và đưa trả về cho bố mẹ.
Giới chức không tìm thấy thông tin cũng như manh mối những kẻ bắt cóc. Fennell rất lo sợ vụ việc tương tự sẽ xảy ra với người khác trong tương lai. Do đó, bà gửi thư đến các nhà sản xuất xe, bày tỏ mong muốn các xe bán ra tích hợp thêm lẫy mở cốp khẩn cấp bên trong cốp xe, nhằm ngăn chặn tình trạng người bị mắc kẹt trong cốp.
Rồi Fennell tự thu thập các số liệu về tình trạng trên, rằng trong 20 năm trước đó có 931 sự cố liên quan đến 1.082 người bị nhốt trong cốp ôtô. Cứ 4 vụ thì có một trường hợp nạn nhân tử vong - do sốc nhiệt, ngạt thở hoặc hạ thân nhiệt.
Năm 1999, sau quá trình nghiên cứu và đánh giá các số liệu về tình trạng người bị mắc kẹt trong cốp, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) thông qua luật mới, yêu cầu mọi ôtô mới bán ra tại Mỹ (đời 2002 trở đi) phải trang bị cơ cấu mở cốp khẩn cấp từ bên trong, bằng cách kéo lẫy hoặc bấm nút, và phần lẫy hay nút có phát quang, giúp dễ dàng xác định vị trí trong bóng tối.
Luật được ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/9/2001, đưa ra bởi Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) sau nhiều năm vận động hành lang từ các nhà chức trách, và bởi chính Janette Fennell. Theo số liệu, kể từ khi cơ cấu mở cốp từ bên trong này được giới thiệu, không có trẻ em nào tử vong trong cốp ôtô vì nguyên nhân mắc kẹt.
Tuy đây là trang bị bắt buộc của ôtô mới bán tại Mỹ kể từ 2002, ôtô bán ra tại thị trường khác trên thế giới có thể không trang bị tính năng này.
Tân Phan (Theo Hustle)