Ba thể chế chính của Liên minh châu Âu (EU) là cơ quan điều hành, nghị viện, và tất cả các nước thành viên đã nhất trí thông qua kế hoạch cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong (xe xăng/dầu) từ năm 2035 trở đi, chỉ cho phép bán xe không khí thải CO2.
Liên minh châu Âu hiện có tổng cộng 27 quốc gia thành viên. Đây là một phần trong chiến lược "Fit for 55" nhằm giảm thiểu tác động của thay đổi khí hậu.
Kế hoạch này được công bố lần đầu vào 7/2021 và nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên vào tháng 6/2022, sau các vòng đàm phán. Giờ đây, nó đã chính thức được EU thông qua.
Các nhà sản xuất sẽ buộc phải bỏ xe chạy xăng, diesel, hybrid và cả hybrid sạc điện (plug-in hybrid) khỏi danh mục sản phẩm của mình ở châu Âu vào năm 2035. Riêng các nhà sản xuất có sản lượng thấp, như Ferrari và Lamborghini, sẽ có thêm một năm để thực hiện chuyển đổi.
Ngoài mục tiêu chỉ bán xe không khí thải vào năm 2035, tất cả các nhà sản xuất ô tô phải giảm 55% lượng khí thải CO2 trung bình vào năm 2030 so với năm 2021, tức giảm nhiều hơn mục tiêu 37,5% trước đó. Theo nhóm và Môi trường, xe con và các loại xe thương mại hạng nhẹ hiện chiếm 16% tổng lượng khí thải nhà kính ở châu Âu.
Nhiều người kỳ vọng nhiên liệu sạch có thể kéo dài vòng đời của động cơ đốt trong, nhưng xe sử dụng nhiên liệu sạch vẫn có khí thải. Hiện tại, chỉ có động cơ chạy điện thuần và xe sử dụng pin nhiên liệu đáp ứng được quy định không khí thải. Tuy nhiên, các nước thành viên còn có một đề xuất kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cho phép đăng ký xe sử dụng nhiên liệu sạch sau năm 2035.
Châu Âu là một trong những thị trường ô tô quan trọng, nên quyết định trên sẽ có ảnh hưởng toàn cầu. Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải tiếp tục đầu tư nhiều vào để đẩy nhanh quá trình điện khí hóa. Điều đó có nghĩa là sẽ không có nhiều ngân sách để phát triển động cơ đốt trong cho các khu vực thị trường khác có quy định khí thải ít chặt chẽ hơn.
Hiện có một số công ty đã cam kết dừng bán xe động cơ đốt trong ở châu Âu vào năm 2035 hoặc thậm chí sớm hơn; gồm Volkswagen, Stellantis, Ford, và Jaguar Land Rover.
Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng này cũng có một số mặt trái. Nhiều ý kiến lo ngại người dân châu Âu sẽ cố đi những chiếc xe cũ, vốn còn gây ô nhiễm môi trường hơn, vì không đủ khả năng sắm một chiếc xe điện.
Cũng có những ý kiến lên án kế hoạch này ở chỗ không giải quyết triệt để vấn đề khí thải trong quá trình sản xuất xe, trong khi lượng khí thải này ở xe điện có thể còn lớn hơn cả khí thải của xe động cơ đốt trong.