Dù thương hiệu Saab đã bị khai tử từ năm 2011 do bị GM bỏ rơi trong khủng hoảng, dẫn đến phá sản, nhưng một đại lý ở Đài Loan đến giờ vẫn chưa sẵn sàng khép lại chương buồn đó; trái lại, tiếp tục duy trì hoạt động ngay cả khi không còn xe mới để bán.
Công ty Scandinavia châu Á (SAC) đã làm đại diện cho thương hiệu Saab từ năm 1980, và đến giờ vẫn tiếp tục tận tụy phục vụ khách hàng của mình bất chấp việc thương hiệu ô tô Thụy Điển này đã bị xóa sổ từ cách đây hơn một thập kỷ.
Đáng ngạc nhiên hơn, đó không phải là một đại lý nhỏ. SAC sở hữu và vận hành 6 trung tâm dịch vụ trên khắp Đài Loan, và chỉ làm xe Saab, với mạng lưới gồm thêm 12 xưởng ủy quyền nữa.
Ấn tượng hơn nữa là địa điểm mới của SAC vừa được mở vào năm ngoái, tức là đại lý không chỉ duy trì hoạt động, mà còn phát triển. Đại lý vẫn bán xe, nhưng không còn xe mới, mà chỉ có xe đã qua sử dụng.
"Chúng tôi đang làm những gì tốt nhất có thể để những chiếc xe Saab vẫn lăn bánh trên đường phố Đài Loan", ông Salo Yang, phó chủ tịch SAC, cho biết. "Cung cấp dịch vụ cho xe Saab là trách nhiệm của chúng tôi vì tất cả xe Saab tại Đài Loan là do SAC bán ra".
SAC tiếp tục hoạt động với số phụ tùng còn lại từ GM và các nhà cung cấp khác như AC Delco và Orio - các công ty vẫn cung ứng cho các đại lý độc lập.
Vài nét về thương hiệu Saab
Saab Automobile AB, thường được gọi ngắn gọn là Saab, là một nhà sản xuất ô tô Thụy Điển. Saab ban đầu là một phân nhánh của Svenska - công ty được thành lập vào năm 1937 với mục đích sản xuất máy bay cho Không lực Thụy Điển.
Khi Đại chiến thế giới lần thứ II gần đi đến hồi kết, công ty Svenska bắt đầu tìm kiếm thị trường mới để mở rộng hoạt động. Và nhà sản xuất ô tô Saab ra đời.
Kể từ những ngày đầu, Saab đã được biết đến như một nhà sản xuất có nhiều sáng tạo và đổi mới, khi ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào hệ thống tăng áp, độ an toàn và công nghệ xanh.
Ngày 20/2/2009, tòa án Vänersborg ở Thụy Điển đã nhận được đơn đề nghị tái cơ cấu từ Saab. Tập đoàn mẹ là General Motors (GM) lên kế hoạch loại bỏ thương hiệu này khỏi bộ máy vào cuối năm 2009.
Ngày 11/6/2009, nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Koenigsegg cùng một nhóm các nhà đầu tư Na Uy đã ký ý định thư mua Saab. Tuy nhiên, ngày 24/11/2009, Koenigsegg đã rút lại đề nghị mua Saab.
Ngày 1/12/2009, hội đồng quản trị GM quyết định cho Saab thời hạn một tháng để đánh giá những bên mua tiềm năng cho bản thân.
Ngày 18/12/2009, GM tuyên bố "khai tử" Saab do không tìm được bên mua.
Trong tình hình khó khăn về tài chính, đến đầu năm 2010, GM đã ký thỏa thuận bán thương hiệu Saab cho nhà sản xuất ô tô hạng sang của Hà Lan là Spyker Cars NV.
Ngày 28/10/2011, Spyker cho biết đã ký biên bản ghi nhớ về việc bán 100% cổ phần Saab Automobile cho Youngman và Pang Da với giá dự kiến 100 triệu euro. Biên bản ghi nhớ có hiệu lực đến ngày 15/11, với điều kiện Saab vẫn ở trong tình trạng tái cơ cấu.
Đến ngày 15/11, dù thời hạn hiệu lực đã hết mà chưa có thỏa thuận cụ thể được thông qua. Vướng mắc nằm ở quyền phủ quyết của GM.
GM thể hiện sự lo ngại về việc Saab quá gần gũi với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ ở Trung Quốc, trong khi nhiều công nghệ mà Saab đang sử dụng là của GM.
Sau nhiều tháng xoay xở nhưng không đi đến đâu, ngày 19/12/2011, Saab đã đệ đơn lên tòa án ở Thụy Điển xin làm thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Tháng 6/2012, theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn xe chạy điện quốc gia Thụy Điển National Electric Vehicle Sweden AB, do công ty đầu tư Sun Investment của Nhật và công ty xây dựng nhà máy điện năng lượng mới National Modern Energy Holdings Ltd. ở Hồng Kông kiểm soát, đã đồng ý mua lại thương hiệu Saab để chuyển đổi thành sản xuất xe chạy điện.
Tập đoàn National Electric Vehicle Sweden AB mới được thành lập với mục đích duy nhất là mua Saab.