Theo trang Car Expert của Australia, mẫu MG HS đã đạt doanh số kỷ lục 902 chiếc trong tháng 8 vừa qua, tăng 226,8% so với năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm của sản phẩm này đã tăng 76,4%.
Sự phát triển vượt bậc về mặt doanh số đã giúp nâng thị phần của mẫu HS lên 6,5% ở phân khúc SUV hạng C, so với mức 2,2% vào tháng 8 năm ngoái.
Trong khi đó, mẫu Haval H6 đạt doanh số 858 chiếc tại thị trường Australia trong tháng 8, tăng 48,7% so với tháng 8/2021, lũy kế 8 tháng tăng 124,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mẫu SUV này hiện chiếm 6,2% thị phần phân khúc SUV cỡ trung tại Australia.
Bộ đôi SUV Trung Quốc đã đạt doanh số cao hơn nhiều tên tuổi lớn đến từ Đức và Nhật, như Honda CR-V (781 chiếc), Nissan X-Trail (516 chiếc), Subaru Forester (580 chiếc) hay Volkswagen Tiguan (259 chiếc).
Dẫn đầu phân khúc SUV cỡ C tại thị trường Australia trong tháng 8 là RAV4, với doanh số 2.482 chiếc dù hãng cũng gặp một số vấn đề về nguồn cung. Đứng thứ hai là Mazda CX-5 với 2.325 xe bán ra. Hai mẫu xe này chiếm hơn 1/3 thị phần phân khúc SUV cỡ C tại Australia, theo trang Car Expert.
Ba cái tên còn lại trong "top 5" tại Australia trong tháng 8 vừa qua là Hyundai Tucson (1.719 chiếc), Mitsubishi Outlander (1.568 chiếc) và Kia Sportage (1.237 chiếc).
Haval H6 Hybrid từng được tập đoàn Great Wall Motor (GWM) lên kế hoạch bán tại Việt Nam. Xe được lắp ráp tại Thái Lan và là mẫu SUV bán chạy nhất Trung Quốc nên hứa hẹn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những cái tên quen thuộc như Hyundai Tucson, Kia Sportage và Mazda CX-5.
Tuy nhiên, có vẻ như kế hoạch này đã sớm bị hủy bỏ, do hãng không xây dựng được giá bán đủ hấp dẫn.
Trong khi đó, thương hiệu MG đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2012 nhưng rút lui chỉ sau một thời gian ngắn.
Đến giữa năm 2020, thương hiệu này mới chính thức trở lại với khách Việt thông qua nhà phân phối mới là Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) cùng hai mẫu MG HS và ZS nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ cuối năm 2020, MG ZS mẫu mới bắt đầu được nhập khẩu từ Thái Lan, còn MG HS vẫn được nhập từ Trung Quốc.