Liệu ở Việt Nam có thay thế xe xăng? Bao giờ xe điện trở nên phổ biến? Đây là những câu hỏi mà ông Nguyễn Hồng Vinh, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ô tô, thường xuyên nhận được trong các chủ đề liên quan đến xe điện.
Một người bạn của ông Vinh cho rằng: "Ngay khi làn sóng xe điện giá rẻ ập đến, lập tức nó sẽ bùng nổ thôi. Gì chứ giá rẻ là người dân sẽ mua, xong cắm vào ổ điện bất kỳ và sử dụng. Nó sẽ đúng nếu mỗi chỗ để xe đều có một ổ cắm".
Tuy nhiên, ông Vinh phản biện và cho rằng, đâu phải ai cũng thích xe dạng này. "Xe điện giá rẻ thường sẽ khó đi được xa, phải sạc hàng ngày thì khá bất tiện. Xe điện giá rẻ như thế có thể bán được với số lượng tốt, nhưng để thay thế xe xăng thì khó", chuyên gia này nhận định.
Theo ông Vinh, có 2 yếu tố để xe điện có thể trở nên phổ biến.
Giá thành: Giá xe điện hiện tại khá đắt so với xe xăng, xe dầu cùng phân khúc. Một chiếc xe điện về cơ bản là đắt gấp rưỡi xe xăng ở thời điểm này. Vì vậy, kể cả việc sử dụng xe trở nên đơn giản nhờ hệ thống sạc bao phủ rộng lớn, người mua vẫn lăn tăn về việc có nên chọn xe điện?
Khả năng sử dụng: Việt Nam khá giống Trung Quốc về kết cấu hạ tầng và phân bố dân cư. Người dân tập trung sống tại các khu đô thị, tuy nhiên hiện nay hệ thống sạc dành cho các khu đông dân cư đang gặp khó khăn về lắp đặt cũng như sử dụng.
Bởi vậy, ông Vinh cho rằng: Kể cả bằng cách thần kỳ nào đó, những mẫu xe điện siêu rẻ xuất hiện, thì nó vẫn cần hệ thống trạm sạc đi cùng, hoặc một hệ thống ổ điện 220V rộng khắp các bãi đỗ xe, cùng với hạ tầng điện lưới đủ cung cấp. Thời điểm xe điện dần thay thế xe xăng sẽ là khi hội tụ cả 2 yếu tố trên.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong tương lai giá xe điện sẽ giảm.
Ở giai đoạn đầu, giá xe "cõng" theo rất nhiều chi phí như phát triển, nguyên liệu, dây chuyền sản xuất... Về lâu dài thì các khoản này sẽ giảm, các ngành công nghiệp phụ trợ chuyển hướng sang xe điện và các kỹ sư tìm ra cách để làm chiếc xe rẻ hơn, đơn cử là giảm chi phí cấu thành pin.
Pin hiện nay chiếm tỷ trọng khá cao trong cấu thành giá một chiếc xe điện. Ông Vinh cho rằng về cơ bản, có lẽ sẽ cần 5-10 năm để việc này trở thành hiện thực. Sự hỗ trợ của chính phủ, nếu có, cũng sẽ thúc đẩy việc này diễn ra nhanh hơn, ngành công nghiệp xe điện có động lực để phát triển với tốc độ tốt hơn.
Tiếp theo, hãy nói về khả năng sử dụng. Xe điện hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng trạm sạc. Vị trí trạm sạc, cách thức sạc sẽ ảnh hưởng đến việc liệu chiếc xe có hữu dụng thật sự. Nếu không đáp ứng, xe điện sẽ trở thành loại phương tiện nhiều phiền toái và bị hạn chế hành trình.
Có thể nói hiện nay ngoài thì các hãng xe khác chưa đầu tư cho hệ thống trạm sạc. Bởi vậy sẽ không quá lời khi nói câu chuyện trạm sạc ở Việt Nam còn chưa bắt đầu?
Sẽ mất bao nhiêu năm để mọi xe có một hệ thống trạm sạc đủ sử dụng? Các kỹ sư Nhật Bản từng đánh giá Việt Nam sẽ mất 15 năm để điều đó xảy ra. Đất nước ta có mặt bằng đô thị chật chội, khá khó để triển khai các vị trí sạc xe với số lượng lớn.
Ví dụ, một tòa nhà chung cư với 200 xe thì sẽ cần cỡ 100 trạm sạc qua đêm. Trong khi, bản thân số lượng chỗ đỗ ở những khu vực đông đúc hiện nay còn chẳng đủ.
"Có lẽ sẽ cần vài năm để Chính phủ quy hoạch, ban hành các quy chuẩn về điểm sạc, điểm đỗ dành cho xe điện, thậm chí cải tạo lưới điện để có thể đáp ứng nhiều xe sạc cùng lúc", ông Vinh nhận định.
Và trong 5-7 năm đó, có thể các kỹ sư sẽ tìm được cách để giá xe trở nên hợp lý hơn. Song song với đó, có thể kỳ vọng về những chiếc xe điện sẽ có khả năng di chuyển nhiều hơn, sạc nhanh hơn...
"Về cơ bản, các bên nhất trí là tầm 7-8 năm nữa mọi người sẽ chấp nhận xu hướng chuyển sang xe điện. Các nghiên cứu cho thấy xe hybrid phát triển cũng không kém xe điện và nên nhìn nhận đó là đối thủ cạnh tranh có nhiều lợi thế", ông Vinh cho hay.
Tuy nhiên, xe điện sẽ bùng nổ nếu mọi người ở tương lai nhận ra đó là chiếc xe nắm giữ nhiều ưu thế, so với các xe còn lại.