Ra mắt đầu tháng 6 và chính thức bán từ tháng 7, Sportage tạo ưu thế về doanh số nhờ sẵn hàng và lượng khách quan tâm nhiều sau gần 8 năm vắng bóng tại Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số tháng đầu mở bán của mẫu xe này là 744 chiếc.
Xếp ở vị trí thứ hai là Hyundai Tucson với 653 xe bán ra, tăng 174 xe với tháng trước đó. Từ khi có bản nâng cấp mẫu xe gầm cao của thương hiệu Hàn Quốc này thường xuyên trong tình trạng khan hàng. Trong khi đó, Mazda CX-5 có mức tăng tương tự Tucson, đạt 613 xe bán ra trong tháng 7.
Với Honda CR-V, mẫu xe Nhật tăng 51 xe so với tháng trước đó, đạt 535 xe bán ra. Mitsubishi Outlander là mẫu xe duy nhất trong phân khúc giảm doanh số, bán ra 302 xe trong tháng. Theo đại lý, nguồn cung giảm khiến Outlander bán ít xe hơn tháng trước.
Trong phân khúc này, Peugeot 3008 chỉ được hãng công bố doanh số gộp chung với các sản phẩm khác, không có số liệu cho riêng mẫu này. Trong khi đó MG không công bố số bán của HS.
Phân khúc gầm cao cỡ C thường xuyên có sự xáo trộn ở nhóm dẫn đầu. Có những giai đoạn CX-5 làm vua phân khúc, có thời điểm CR-V chiếm ưu thế nhờ ưu đãi lớn từ hãng.
Tuy nhiên, gần đây các mẫu xe đến từ Hàn Quốc chiếm ưu thế nhờ kiểu dáng mới bắt mắt và đa dạng về lựa chọn. Hai mẫu Sportage và Tucson đều có 3 tùy chọn động cơ bao gồm xăng, dầu, Turbo và đa dạng về phiên bản, đơn cử như Sportage có 8 tùy chọn.
Ở chiều ngược lại, các mẫu xe Nhật thường chỉ có tùy chọn động cơ xăng hoặc Turbo, không có máy dầu và ít phiên bản hơn. Trong thời gian tới, nhóm xe này sẽ có thêm sự góp mặt của tân binh Ford Territory.