Sau đợt kiểm tra hàng loạt chiếc SUV/CUV cỡ nhỏ và trung vào cuối năm 2021, Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ (IIHS) tiếp tục áp dụng bài thử nghiệm va chạm ngang hông khắt khe hơn đối với 7 dòng sedan/wagon cỡ trung. Ở tiêu chuẩn cũ, chúng đều có kết quả "Good" (Tốt) nhưng với bài kiểm tra mới thì có tới 3 mẫu xe bị chấm điểm thấp.
Theo đó, chỉ Subaru Outback được đánh giá "Tốt", trong khi Hyundai Sonata và Volkswagen Jetta đạt mức "Acceptable" (Chấp nhận được).
Nhóm các xe còn lại, với 2 cái tên đáng chú ý với người tiêu dùng Việt Nam là Honda Accord và Camry, lại nhận về kết quả đáng thất vọng. Theo đó, Accord bị chấm điểm "Trung bình", trong khi Camry - cùng 2 chiếc sedan khác là Chevrolet Malibu và Nissan Altima, bị xếp là "Poor" (Tệ).
Vấn đề chung của nhóm này nằm ở nguy cơ chấn thương nghiêm trọng ở phần đầu của người ngồi trong xe. Theo ghi nhận của IIHS, bộ phận này trên hình nộm có dấu hiệu trượt xuống, vượt ra khỏi tầm bảo vệ của túi khí rèm và va đập vào táp-pi.
Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa 4 mẫu xe nói trên và bộ ba Outback, Sonata và Jetta, với khả năng bảo vệ vùng đầu của người ngồi được đánh giá ở mức khá tốt.
Tiêu chuẩn thử nghiệm mới của Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ được thiết kế theo hướng "khắc nghiệt" hơn nhằm thay thế tiêu chuẩn cũ ra đời từ 2003. Nó nhằm mô phỏng đầy đủ mức độ nghiêm trọng của những vụ tai nạn ngoài đời thực, trong bối cảnh xe gầm cao đang dần chiếm đa số trên đường.
Cụ thể, phương tiện có chiều cao và khối lượng giống một chiếc SUV cỡ trung hơn, với cân nặng được nâng lên mức 1.905 kg (tăng 400 kg so với tiêu chuẩn cũ), đồng thời vận tốc khi va chạm được nâng từ 50 km/h lên 60 km/h.
Ở quy chuẩn cũ, cả 7 xe đều được xếp hạng "Tốt", trong đó có 4 xe được trao danh hiệu an toàn tổng thể "Top Safety Pick+" cao nhất.
Tổ chức này cho rằng những chiếc xe gầm thấp sẽ gặp bất lợi hơn trong bài kiểm tra mới. Bởi vậy, Subaru Outback lợi thế hơn so với các mẫu xe còn lại khi sở hữu chiều cao nhỉnh hơn, nhờ đó có màn thể hiện tốt hơn.
"Chiều cao của phương tiện càng thấp đồng nghĩa với vị trí va chạm trên cánh cửa của xe sẽ càng cao (gần vùng đầu của người ngồi hơn). Điều đó đặt các mẫu sedan/wagon vào thế bất lợi trong bài kiểm tra này, nhưng nó phản ánh đúng những gì sẽ xảy ra trong thực tế khi bị một chiếc bán tải hoặc SUV tông phải", Chủ tịch IIHS David Harkey chia sẻ.
Kết quả này hiện chỉ mang tính tham khảo và không tính vào thành tích trong năm 2022, đồng nghĩa với việc Honda Accord và Toyota Camry vẫn bảo vệ được danh hiệu "Top Safety Pick+". Tuy nhiên kể từ năm sau, các "ứng viên" cần phải được chấm điểm "Tốt" để nhận danh hiệu nói trên, và xếp hạng "Chấp nhận được" trở lên để đạt danh hiệu thấp hơn là "Top Safety Pick".
Tại Việt Nam, Toyota Camry là mẫu xe có doanh số hàng đầu trong phân khúc sedan hạng D. Ngược lại, Honda Accord lại hay rơi vào nhóm xe "ế". Mẫu sedan của Toyota được phân phối chính hãng với 4 phiên bản, giá từ 1,07-1,46 tỷ đồng, còn Accord chỉ có phiên bản duy nhất và giá bán từ 1,319 tỷ đồng.