Bẫy đinh
Ngày 1/5 tại địa phận làng Erala, Estonia, cảnh sát tung bẫy đinh chặn chiếc Opel khi được tin báo rằng tài xế có thể say rượu hoặc dùng chất kích thích. Video: Politseisaade Krimi
Kiểu bẫy đinh có mục tiêu làm thủng lốp khi xe chạy qua. Có 2 thiết kế chính: dạng hình quả trám rỗng hoặc mặt phẳng với đinh gắn bên trên. Và có 2 dạng, thủ công (như video trên) hoặc tự động (như video dưới):
Video: ProCentrum
Dạng thủ công cần có một hoặc hai cảnh sát đứng chờ sẵn bên đường, canh đúng lúc xe nghi phạm chạy tới để tung bẫy đinh. Ngay sau đó, bẫy phải được thu gọn nhanh chóng để những xe khác - thường là xe cảnh sát đuổi theo ngay phía sau - không cán qua. Trong khi đó, dạng tự động có hình dạng một hộp chứa bẫy đinh, và được điều khiển từ xa.
Bẫy đinh thường được sử dụng ở Anh, Mỹ, Australia hay ở cả Estonia như video trên.
Lưới X
Video: QinetiQ
Cũng giống bẫy đinh, lưới X (X-net) được tung ra ngay khi xe của nghi phạm chạy qua. Lưới sẽ quấn vào các bánh và trục xe, buộc xe phải dừng lại. Hệ thống này thường được sử dụng ở Anh và Mỹ.
Móc có lưới
Móc có lưới giúp cảnh sát Mỹ dừng một xe nghi phạm ở bang Arizona hôm 29/4. Video: Fox 10 Phoenix
Có tên "grappler", thiết bị này là một chiếc móc có lưới, gắn ở cản trước của xe cảnh sát. Khi nhấn nút, móc sẽ bung và khi tiếp xúc với bánh sau xe đang bỏ chạy, lưới sẽ quấn chặt. Cảnh sát lúc này chỉ cần dừng xe, phương tiện bỏ chạy sẽ bị níu lại và không thể chạy tiếp. Cuộc truy đuổi kết thúc mà không có bất cứ va chạm nào.
Grappler là sáng kiến của một người Mỹ, Leonard Stock, sau khi xem cảnh cảnh sát rượt đuổi xe vi phạm và dẫn tới va chạm khiến một người đi đường bị thương.
Barie chữ L
Video: Mifram Security
Mỗi barie nặng chỉ khoảng 20 kg và có hình dạng chữ L, sẽ đưa chiếc xe từ đà tăng chuyển sang đà giảm và dừng lại. Loại barie này ngoài khả năng ngăn chặn còn kèm theo khả năng phá hủy.
Barie chữ L là sản phẩm của hãng Mifram (Israel), có thể được thấy đã sử dụng ở một số nơi trên thế giới, như Mỹ, Đức, Pháp, Anh hay Australia.
Barie cọc thép
Video: Heald
HT1-Raptor có chiều cao khoảng 900-1.000 mm, rộng 380 mm và sâu khoảng 300 mm, làm bằng thép với hình dạng cọc hơi cong và phần đầu vát. Thiết kế này giảm thiểu không gian bố trí barie, nhưng khả năng ngăn chặn đồng thời phá hủy hàng đầu. Trong video là thử nghiệm HT1-Raptor khi chặn được xe tải 7,5 tấn chạy ở tốc độ 80 km/h, thậm chí gần như phá hủy hoàn toàn chiếc xe.
HT1-Raptor được hãng Heald Ltd (Anh) thiết kế và thường sử dụng ở Anh và Mỹ.
Thiết bị phát tần số vô tuyến
Video: Ormic Components
Đây cũng là cách an toàn nhất để dừng một chiếc xe nhờ việc sử dụng một thiết bị phát tần số vô tuyến tác động đến hệ thống điện tử của xe nghi phạm và buộc phải dừng lại. Sự can thiệp hoàn toàn không có bất cứ tiếp xúc nào giữa cảnh sát và xe bị truy đuổi, nên giảm thiểu nguy cơ va chạm. Công nghệ này có thể sử dụng với nhiều phương tiện khác nhau, từ xe máy, ôtô hay tàu thuyền.
Thiết bị phát tần số vô tuyến có thể được phát triển do nhiều công ty khác nhau, đã được thử nghiệm và áp dụng tại một số nơi như Anh, Mỹ, Đức, Trung Quốc hay Australia.
Mỹ Anh