Giá xe ô tô trong những tháng gần đây tăng liên tiếp khi chịu sự điều chỉnh giá bán lẻ từ các hãng xe. Theo thông báo từ nhiều hãng, việc tăng giá bán lẻ đã được cân nhắc nâng lên, đặt xuống nhiều lần đảm bảo lợi ích khách hàng cũng như cả nhà sản xuất nhưng sự khó khăn chung là thực tế khiến các hãng buộc phải tăng giá bán.
Nguồn cung thiếu hụt là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt các hãng xe trong nước điều chỉnh giá bán lẻ. Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn tồn tại suốt thời gian dài kể từ khi bùng phát dịch Covid trên toàn cầu vẫn chưa nguôi ngoai thì lại đến xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến các hãng xe gặp khó khăn khi tiếp cận chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu.
Hãng xe lâu đời và có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Toyota thông báo tăng giá đồng loạt ở hầu hết các sản phẩm của mình từ tháng 5 với mức tăng từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Trong đó các mẫu xe cỡ lớn (Fortuner, Land Cruiser Prado) tăng giá mạnh nhất với mức chênh lệch khoảng 40-50 triệu đồng, các mẫu xe phổ thông như Vios hay Innova tăng dưới 10 triệu đồng.
Có thể kể đến Ford tăng giá 2 mẫu xe bán chạy nhất là Ranger và Everest tăng khoảng trên 10 triệu đồng/xe từ hồi tháng 1; KIA thông báo tăng giá từ tháng 2 với mức tăng từ 5-10 triệu đồng/xe; Mức tăng trên dưới 10 triệu đồng/xe còn ở thương hiệu Suzuki với mức tăng giá cao nhất thuộc về mẫu xe XL7; Còn mẫu xe ăn khách bậc nhất trong dòng SUV là Hyundai SantaFe đội giá khoảng 100 triệu đồng tuỳ đại lý khi nhu cầu của mẫu xe này duy trì đều đặn ở mức cao và khách hàng phải chịu thêm chi phí nếu muốn được giao xe sớm…
Thực tế không cần phải đợi đến thông báo chính thức từ các hãng xe mà giá xe từ trước đó đã đội lên khi các đại lý muốn “mồi chài” giúp khách hàng sớm có xe. Điển hình như mẫu xe mới ra mắt của Toyota gần đây là Raize đang tạo sức hút đáng kể và qua đó các đại lý cũng nhanh chóng nâng giá bán lên từ 40-60 triệu đồng và có thể phải đợi đến tận đầu năm 2023 mới có xe được giao.
Mặc dù Toyota cũng như các hãng khác đã có thông báo chính thức về việc xử lý các đại lý yêu cầu khách hàng mua phụ kiện kèm theo xe tuy nhiên khó có thể giải quyết dứt điểm cốt lõi vấn đề khi việc thoả thuận này được coi là “thuận mua vừa bán” giữa đại lý và khách hàng.
Việc mua ô tô đối với khách hàng Việt Nam thường là được cân nhắc khá kỹ và khi chọn được mẫu xe mong muốn, ít người muốn đổi ý và họ cũng biết rằng đại lý của hãng xe này hay xe khác cũng đều “bia kèm lạc” giống nhau và chỉ khác ở mức độ.
Nhìn nhận thực tế thì nguồn cung về ô tô của các hãng đang gặp khó khi đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Sản lượng ô tô trên toàn cầu được dự đoán hồi phục trong năm nay nhưng so với trước khi diễn ra đại dịch vẫn còn thấp hơn nhiều. Nhiều đại lý các hãng xe trong nước cũng chưa dám nhận cọc khi chưa chắn chắn về nguồn cung trong thời gian tới.
Anh Trần Minh Toàn, một nhân viên bán hàng của Showroom tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết, “hầu như các đơn hàng nhận cọc trước đó của khách hàng đã chốt xong cho đến cuối năm 2023 và hiện tại nguồn cung chưa chắc chắn nên đã phải từ chối nhiều người khác”.
Từ những thực tế khó khăn thị trường và văn hoá bán xe tồn tại lâu nay trên thị trường ô tô, tình trạng bán xe kèm phụ kiện hay thêm tiền để nhận được xe sớm lại tiếp tục tái diễn. Những lời kêu gọi suông tẩy chay các thương hiệu có tình trạng “bia kèm lạc” từ người tiêu dùng trong nước dường như không có tác dụng khi các hãng xe không có cách nào để can thiệp đến hoạt động kinh doanh của những đại lý này.