Sau 30 phút trong phố cũng tới đường thoát. Gạt xi-nhan phải, hình ảnh từ camera lane watch bên phải hiển thị trên màn hình trung tâm giúp tài xế quan sát được điểm mù vốn không thấy qua gương. Nhường đường cho xe máy, CR-V từ từ rẽ phải, nhập vào đường dẫn cao tốc đại lộ Thăng Long. Tinh thần của những người tham gia phấn chấn lên hẳn vì tầm mắt bắt đầu được phóng ra xa, bỏ lại những tiếng còi xe inh ỏi đường phố.
Đại lộ Thăng Long cũng là nơi hệ thống công nghệ an toàn Honda Sensing có dịp phát huy tác dụng đầy đủ, giúp tài xế có thể thư thái hơn. Đầu tiên, cài đặt kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Contol) để bám theo tốc độ của xe trước. Xe tự động phanh nếu xe trước giảm tốc và tự tăng tốc trở lại nếu xe trước vút đi, ở mọi dải tốc độ chứ không chỉ áp dụng ở ngưỡng tốc độ trung bình trở lên giống nhiều xe khác.
Công nghệ hỗ trợ giữ làn đường (LKAS) giúp tài xế đảm bảo không lơ đễnh lệch sang làn bên cạnh hay lao vào dải phân cách. Khi xe phát hiện bánh lệch khỏi làn, vô-lăng sẽ tự động lấy lái để đưa xe về lại giữa làn, đủ nhanh nhưng không quá đột ngột để khiến tài xế giật mình. Các công nghệ này hoạt động trơn tru nhờ radar đặt trong lưới tản nhiệt phía đầu xe và camera ở kính chắn gió thu thập thông tin về xe và bối cảnh giao thông xung quanh, từ đó tính toán để đưa ra phản ứng phù hợp nhất.
Nhưng nếu chỉ nói về những công nghệ an toàn, là chưa đủ khi nhắc tới CR-V. Mẫu xe nhà Honda khiến người ta nhớ tới nhiều nhất là ở khả năng vận hành. Hết hàng chục km đường trường thông thường, bốn chiếc lốp Michelin Primacy chạm vào nền đường đèo quanh co từ thành phố Hòa Bình đi các tỉnh Tây Bắc. Thời tiết thoáng đãng, tắt điều hòa, mở cửa sổ để đón luồng không khí tươi không tìm thấy ở Hà Nội. Tiếng lốp miết xuống mặt đường rào rào vọng lên, như tiếng xe đang “nuốt” những thớ nhựa đường rau ráu, rất tự tin và gọn gàng.
Nhờ bộ lốp bám đường, hệ khung gầm vững và vô-lăng chính xác, CR-V qua các khúc cua rất “ngọt”.
Không giống các xe dẫn động cầu trước tồn tại nhược điểm dễ “understeering” (thiếu lái) khi vào cua, CR-V khá vừa vặn, một phần nhờ vào hệ thống hỗ trợ đánh lái chủ động AHA làm tốt nhiệm vụ của mình, tất nhiên chân ga phải điều tiết tốc độ phù hợp. Sẽ hoàn hảo hơn nếu có hệ dẫn động 4 bánh, nhưng nếu không off-road cực đoan thì một cầu là đã đủ. Tất nhiên, CR-V không phải chiếc xe sinh ra để off-road, người lái sẽ phải chú ý hơn ở từng điểm đặt bánh xe. Tuy vậy, với khoảng sáng gầm hơn 200 mm, hệ thống treo linh hoạt, 4 người trong xe không bị lắc lư khi xe đi các đoạn đường đèo.
Tiếp tục chuyến đi Mộc Châu, đoạn qua Vân Hồ đường đẹp, thoáng rất dễ khiến ai đó “mát” ga và vi phạm tốc độ. Bấm thiết lập Cruise Control tốc độ 80 km/h, buông chân ga, để hờ ở chân phanh, thế là yên tâm luôn là “công dân gương mẫu”. Một điểm nhỏ nhưng thể hiện sự chăm chút của hãng xe Nhật cho công nghệ của mình là khả năng kìm tốc khi xuống dốc. Với quán tính lớn, đồng hồ tốc độ nhảy lên 81-82 km/h và dừng ở đó, trong khi với nhiều xe khác có thể con số sẽ vượt lên ngưỡng 85-86 km/h, và bạn hoàn toàn có thể chạy quá tốc độ.
Mải mê giữa rừng mận Mộc Châu trắng xóa, khi xe quay đầu về nơi nghỉ cũng là lúc màn đêm vội vã phủ xuống núi đồi. Hệ thống đèn pha LED của xe phát huy tác dụng với công nghệ đèn pha tự động thích ứng, tự động chuyển giữa đèn chiếu xa và gần tùy tình trạng giao thông, giúp tối ưu tầm quan sát và không chói mắt xe ngược chiều, một công nghệ rất văn minh khi đèn pha vô tội vạ đang là một vấn nạn với giao thông Việt Nam.
Sau hai ngày rong ruổi, hơn 400 km, Honda CR-V đưa các chủ nhân đi đến nơi, về đến chốn. Với những người mua xe không chỉ là phương tiện hàng ngày, mà còn đam mê lái và rong ruổi nay đây mai đó, thì khó lòng bỏ qua CR-V trong tầm giá loanh quanh 1 tỷ đồng – chiếc xe không chỉ chở cơ thể, mà chở cả tâm hồn.