Theo báo cáo của công ty môi giới bảo hiểm Howden ngày 4/1, ngành bảo hiểm nhân thọ toàn cầu phải chi 5,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021 cho yêu cầu bồi thường. Thành viên hội đồng quản trị công ty bảo hiểm Hannover Re Klaus Miller cho biết: "Chúng tôi chắc chắn đã trả nhiều hơn những gì dự đoán vào đầu năm ngoái".
Lượng yêu cầu bồi thường gia tăng chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta, có khả năng lây truyền gấp hai lần và gây nhập viện hơn so với chủng virus Corona ban đầu. Các yêu cầu bồi thường gia tăng nhiều nhất ở Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi do có nhiều biến thể gây tử vong hoặc bệnh tật ở các nhóm chưa được tiêm chủng.
Công ty bảo hiểm Aegon (Hà Lan), hiện 2/3 hoạt động kinh doanh tại Mỹ cho biết, các khoản bồi thường của họ ở châu Mỹ trong quý 3 năm 2021 là 111 triệu USD, tăng so với 80 triệu USD so với năm trước đó. Các công ty bảo hiểm Mỹ như MetLife và Prudential Financial cũng cho biết yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhân thọ tăng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khoản bồi thường gia tăng sẽ ăn vào vốn của các công ty bảo hiểm. "Đối với ngành bảo hiểm, con số này không quá lớn vì chúng tôi đã lường trước và luôn cố gắng khắc phục", Marianne Purushotham, chuyên gia của LIMRA cho biết.
Tác động đối với các công ty bảo hiểm đã giảm bớt do các ca tử vong chủ yếu ở những người cao tuổi, nhóm thường không tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Khi biến thể Omicron xuất hiện, các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm và các công ty mô hình rủi ro chuyên môn đang hướng tới mục tiêu mới trong tương lai. Narges Dorratoltaj, nhà khoa học tại AIR nói: "Chúng tôi không thể chia sẻ cụ thể sẽ đi theo con đường nào nhưng chúng tôi đang cố gắng đưa ra các phạm vi khả thi để thu hẹp mức bồi thường có thể xảy ra trong tương lai".
Công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết họ có đến hơn 20.000 kịch bản ứng phó với đại dịch. Các kịch bản này được cập nhật dữ liệu thường xuyên về tỷ lệ xét nghiệm, tiêm chủng, nhiễm trùng, nhập viện và tử vong.
Với sự xuất hiện của Omicron, nhà sản xuất vaccine Covid-19 Pfizer cho biết họ không hy vọng tình hình dịch sẽ giảm trên toàn cầu đến năm 2024. Trong khi đó, AIR dự đoán đại dịch Covid-19 có thể kéo dài 5 năm.
Các chuyên gia về rủi ro bảo hiểm cũng nêu nguy cơ lây nhiễm virus giữa người và động vật, mức độ di chuyển toàn cầu cao, đô thị hóa gia tăng và tác động của biến đổi khí hậu... khiến đại dịch có thể trở nên phổ biến hơn.
Brice Jabo, chuyên gia phân tích rủi ro tại RMS cho biết: "Một đợt bùng phát virus Corona mới thực sự có khả năng xảy ra trong tương lai gần, khoảng 10 năm tới". Ông cũng đề cập đến hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) bùng phát trong hai thập kỷ qua.
Trong khi đó, Bruno Latourrette, giám đốc chuyên môn của công ty tái bảo hiểm SCOR Global Life bày tỏ, ông không ngờ đại dịch Covid-19 lại có sức tàn phá khủng khiếp như vậy.
"Covid-19 là cơn bão hoàn hảo với khả năng lây lan trước khi có triệu chứng, khiến người bệnh bị suy giảm khả năng miễn dịch và khả năng lây truyền cao", ông Bruno nói.