Dồn lại sau 2 tháng "đắp chiếu"
Mặc dù trong thời gian Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tâm lý ngại ra đường mùa dịch, cộng với sợ bị xử phạt bởi đi đăng kiểm ô tô không phải là lý do thiết yếu khiến nhiều chủ xe chờ hết giãn cách mới đưa xe đi kiểm định.
Chính vì lẽ đó, đã rất nhiều tại Hà Nội sau 2 tháng "ngủ đông" vừa qua đã bị quá thời gian đăng kiểm. Vậy nên khi thành phố được nới lỏng giãn cách, nhiều người vội vàng mang xe đi kiểm định để tiện đi lại.
Theo ghi nhận của PV VietNamnet, từ ngày 17/8 đến nay, nhiều trung tâm đăng kiểm thuộc các quận, huyện "vùng xanh" của TP. Hà Nội đã đón tiếp lượng khách tăng vọt.
Tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S có địa chỉ trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), xe đến kiểm định xếp hàng dài chờ đăng kiểm. Dù trung tâm này đã mở cả hai dây chuyền (line) nhưng những nhân viên ở đây vẫn luôn tay luôn chân, khác hẳn bối cảnh cách đây vài hôm.
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03S Nguyễn Minh Hải cho hay, trong hai ngày 17 và 18/9, lượng ô tô đến đăng kiểm tại trung tâm này tăng vọt, trung bình khoảng 150 xe/ngày. Trong khi trước đó, trong thời gian giãn cách xã hội, mỗi ngày cơ sở này chỉ tiếp nhận trên dưới 30 xe.
Theo quan sát tại các điểm đăng kiểm, không ít xe đã bị quá hạn, thậm chí có những xe đã quá hạn kiểm định đến 2 tháng.
Anh Đinh Mạnh Thắng (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chiếc Kia Morning của mình đã hết hạn kiểm định từ cuối tháng 7 vì từ đó đến nay, anh chỉ làm việc online và cũng không đi đâu đến xe nên đành chấp nhận để xe trôi đăng kiểm.
"Khi biết tin một số quận đã nới lỏng giãn cách và được di chuyển, tôi phải lập tức đi đăng kiểm ngay cho yên tâm. Thời gian tới, tôi lại phải dùng nhiều đến xe, và nếu xe quá hạn đăng kiểm ra đường thì có thể bị phạt nặng", anh Thắng chia sẻ.
Trường hợp của anh Bùi Trung Hiếu (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại hơi khác. Chiếc Fortuner của anh còn 1 tuần nữa mới hết hạn đăng kiểm. Tuy nhiên đang tiện đi sửa xe vì "đắp chiếu" quá lâu nên anh Hiếu vẫn quyết định mang xe đi "khám" luôn.
"Rất may là ở quận tôi đã cho phép các gara ô tô mở cửa nên tôi tranh thủ đi sửa xe rồi đến trạm gần đó đăng kiểm luôn cho được việc. Tôi đoán mấy hôm nữa sẽ rất đông xe đi đăng kiểm, và bản thân cũng thường có thói quen đăng kiểm trước hạn vài ngày cho chủ động", anh Hiếu nói.
Theo điểm c, khoản 4, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ô tô có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới một tháng (kể cả rơ moóc và sơ-mi rơ-moóc) sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Trường hợp ô tô quá hạn đăng kiểm trên một tháng, mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe sẽ lên đến từ 4-6 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Dự báo các trạm đăng kiểm còn đông hơn trong nhiều tuần tới
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ tính đến thời điểm cuối tháng 8, riêng trên địa bàn TP. Hà Nội có hơn 17.400 xe hết hạn đăng kiểm; trong số này có 8.800 xe con; 4.900 xe tải - xe đầu kéo và 3.500 xe khách.
Số lượng xe quá đăng kiểm tiếp tục tăng nhanh vào giai đoạn giữa tháng 9, dự tính đang có khoảng 25.000 xe hết hạn kiểm định, trong đó có khoảng 12.000 xe con.
Các chuyên gia dự báo, trong một tháng tới, khi Hà Nội dần kiểm soát được dịch bệnh và nới lỏng hơn việc đi lại của người dân, hướng tới đi lại giữa các tỉnh, lượng phương tiện đi đăng kiểm sẽ tăng cao. Do vậy, các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cần chuẩn bị sẵn phương án tiếp nhận vừa khoa học, quy trình nhanh gọn, vừa đảm bảo phòng dịch.
Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S Nguyễn Minh Hải cho biết, cơ sở kiểm định này đã có phương án tiếp nhận lên đến 5.000 xe/tháng, công suất gấp 1,5 lần ngày thường.
"Chúng tôi sẵn sàng tăng cường nhân lực, làm thêm giờ và làm thứ bảy, chủ nhật để đăng kiểm phương tiện một cách nhanh nhất và thuận tiện cho người dân. Ngoài ra, có bố trí người đo nhiệt độ, hướng dẫn khai báo y tế và nhắc nhở giãn cách giữa người với người", ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-08D (nằm trên QL32, thuộc địa phận huyện Hoài Đức) cho hay, dù trong 2-3 ngày qua, lượng phương tiện đến đăng kiểm tại cơ sở này tăng khoảng 50% so với những ngày trước đó nhưng vẫn chưa đạt đến công suất như bình thường.
Tuy vậy, đơn vị này đã chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận hơn 100% công suất, đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, bộ GTVT và bộ Y tế.
"Người dân trước khi đến kiểm định phương tiện nên gọi điện để đặt lịch trước để các trung tâm đăng kiểm sắp xếp, tránh tập trung vào cùng một thời điểm, sẽ vừa đông và phải chờ đợi lâu", Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-08D chia sẻ.
Các chuyên gia về giao thông cho rằng, việc không đi đăng kiểm đúng thời hạn trong thời gian giãn cách xã hội là trường hợp bất khả kháng của người dân.
Do đó, các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông,… cần mềm mỏng hơn đối với những trường hợp xe quá hạn đăng kiểm trong thời gian này. Không xử phạt với xe quá hạn nhưng đang trên đường đi đăng kiểm để tránh hoang mang, bất an cho người dân.
Trước đó, từ giữa tháng 8, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn gửi lên Bộ GTVT về việc đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông; Các Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông vận tải không xử phạt đối với ô tô quá hạn đăng kiểm tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo VietNamNet