Trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Quốc tế Philippine (PIMS) 2024 diễn ra từ 24 đến 27/10, Mitsubishi đã vén màn chiếc SUV concept 3 hàng ghế mang tên DST. Thương hiệu Nhật cho biết sẽ có phiên bản sản xuất thực tế vào năm sau, chủ yếu nhắm tới thị trường ASEAN.
DST là bước tiến mới nhất của Mitsubishi trong chiến lược phủ kín phân khúc SUV/crossover ở khu vực này.
Theo Mitsubishi, khi có mặt trên thị trường vào năm sau, DST sẽ đồng hành cùng Xforce, Pajero Sport, và Xpander Cross trong danh mục sản phẩm của hãng tại ASEAN, chứ không trực tiếp thay thế mẫu SUV nào hiện tại.
Có vẻ như Mitsubishi muốn mở rộng danh mục sản phẩm, thay vì làm mới. Tuy nhiên, phân khúc SUV vốn đã rất chật chội, nên đây có thể là một bước đi mạo hiểm của thương hiệu ô tô Nhật Bản.
Thiết kế ngoại thất đi theo phong cách "Gravitas & Dynamism" quen thuộc thời gian gần đây của Mitsubishi, nhưng vì đây mới chỉ là bản concept nên có lẽ không nên kỳ vọng quá nhiều; bản sản xuất thực tế sẽ bị lược bỏ nhiều chi tiết thẩm mỹ để cắt giảm chi phí.
Tỷ lệ thân xe khá chuẩn với phân khúc SUV từ cỡ nhỏ tới cỡ trung, thống nhất với phong cách của Mitsubishi trong suốt một thập kỷ qua.
Lưới tản nhiệt cỡ lớn ở phía trước có họa tiết tổ ong nằm bên dưới một tấm phủ trong suốt tối màu, có thể là để tăng tính khí động học. Thống nhất ngôn ngữ thiết kế "Dynamic Shield" của Mitsubishi, lưới tản nhiệt có các chi tiết chrome trang trí hai bên và cụm đèn chiếu sáng trước LED tạo hình chữ T.
Vòm bánh nhô cao làm tăng vẻ bề thế, vuông vức cho xe, phù hợp với bộ bánh cỡ lớn, trong khi tấm ốp bảo vệ gầm cũng góp phần tạo nét rắn rỏi cho DST.
Một điểm đáng chú ý ở ngoại thất là gương cửa truyền thống được thay thế bằng camera; tay nắm cửa "tàng hình"; và các cột màu đen kết hợp với kính bao quanh tạo cảm giác liền mạch trong thiết kế. Tuy nhiên, đây cũng chính là các chi tiết có thể không xuất hiện trên bản sản xuất thực tế, hoặc sẽ giảm tông.
Bên trong xe, Mitsubishi cho thấy sự nỗ lực thăng hạng cho sản phẩm của hãng, với việc sử dụng các vật liệu mềm hơn ở khu vực táp-lô và ốp cửa. Các tính năng đáng chú ý gồm: khoang lái kỹ thuật số hoàn toàn, cụm điều khiển trung tâm mang tính định hướng tương lai, và vô lăng 2 chấu đa chức năng thiết kế mới.
Ở lưng ghế trước được tích hợp mặt bàn khá tiện dụng. Người ngồi ở hàng ghế thứ hai có hệ thống điều khiển điều hòa riêng. Còn hàng ghế thứ ba có vẻ hẹp và chiếm khá nhiều không gian phía sau, chỉ chừa lại khoang chứa đồ khiêm tốn so với thiết kế SUV 7 chỗ.
Mitsubishi chưa tiết lộ các thông số kỹ thuật của DST, chỉ cho biết xe dùng cơ sở gầm bệ liền khối. Đây có thể chính là phiên bản kéo dài của nền tảng khung gầm đang dùng cho mẫu Xforce.
Nếu thực sự được phát triển dựa trên mẫu XForce, một mẫu xe cũng chỉ được bán ở thị trường ASEAN, thì chiếc DST Concept này có thể cũng sẽ dùng động cơ 4 xy-lanh, dung tích 1.5L, thuần xăng, cho công suất 103 mã lực, kết hợp với hộp số vô cấp CVT và hệ dẫn động cầu trước.
Mitsubishi xác nhận rằng DST sẽ dùng hệ dẫn động cầu trước FWD, nhưng hứa hẹn sẽ đảm bảo an toàn trong bất cứ điều kiện thời tiết và đường sá nào, nhờ có gầm cao và 5 chế độ lái, gồm: Normal (bình thường), Tarmac (đường nhựa ngoằn ngòeo), Gravel (đường sỏi), Mud (đường bùn đất), và Wet (đường trơn ướt).
Thông tin chi tiết hơn về tân binh DST sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Tại Việt Nam, Mitsubishi đang kinh doanh dòng crossover 3 hàng ghế là Outlander. Giá thuộc nhóm thấp trong phân khúc cỡ C nhưng mẫu xe này có doanh số không mấy nổi bật. Riêng tháng 9, chỉ có 198 chiếc Outlander được bán ra, trong tổng số 1.037 xe lũy kế từ đầu năm 2024.