Các quan chức của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ ngày 23/9 đã công bố các đề xuất quy định mới. Theo đó, ô tô các loại có tính năng kết nối liên quan đến Trung Quốc được cho là sẽ gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ và quyền riêng tư dữ liệu của công dân nước này.
Các quy định đề xuất tập trung vào hệ thống kết nối xe và hệ thống lái xe tự động, cả về phần cứng lẫn phần mềm. Bộ Thương mại Mỹ lo ngại việc phía Trung Quốc có thể tiếp cận và thu thập những dữ liệu nhạy cảm và điều khiển ô tô trên đường phố Mỹ từ xa.
Nếu đề xuất trên được thông qua, lệnh cấm đối với phần mềm sẽ có hiệu lực các xe phiên bản 2027 và lệnh cấm đối với phần cứng sẽ có hiệu lực với xe từ phiên bản 2030, hoặc từ ngày 1/1/2029 đối với các xe không chia phiên bản theo năm.
Việc này có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho các hãng xe Trung Quốc muốn xâm nhập thị trường Mỹ, ngay cả khi đặt nhà máy sản xuất tại Mexico hoặc thậm chí ngay tại Mỹ.
Quy định mới được đề xuất bao gồm các phần mềm hỗ trợ lái xe tự động (nhưng không bao gồm các tính năng hỗ trợ người lái đơn giản hơn) và khả năng kết nối xe với mạng vệ tinh, mạng di động và Wi-Fi. Phần cứng tập trung vào các hệ thống kết nối trên xe, nhưng chỉ các bộ phận có khả năng kết nối.
Quy định được đề xuất định nghĩa các hệ thống lái xe tự động là những hệ thống được xếp hạng từ Cấp độ 3 đến Cấp độ 5 theo tiêu chuẩn ngành công nghiệp ô tô.
Các hệ thống ở Cấp độ 1 và 2, bao gồm điều khiển hành trình và giữ làn đường nhưng luôn yêu cầu sự giám sát của người lái, sẽ không bị hạn chế bởi quy định này.
Các quy định cũng nhắm vào phần cứng và phần mềm ô tô từ Nga, cũng với lý do an ninh quốc gia, mặc dù Nga không phải là một cường quốc về công nghệ và tự động hóa như Trung Quốc.
Giới chức Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu điều tra các rủi ro của xe kết nối từ Trung Quốc và công nghệ xe hơi vào cuối tháng 2.
Đề xuất trên là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn ô tô Trung Quốc, cụ thể là xe điện, vào thị trường Mỹ. Đầu năm nay, Mỹ đã công bố mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, dẫn đến việc Volvo phải tạm hoãn giới thiệu mẫu xe điện EX30 tại Mỹ, đợi tới khi có thể sản xuất tại châu Âu.
Có vẻ như các mức thuế này cũng là lý do các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD, Nio, XPeng và các thương hiệu khác của Geely phải lùi kế hoạch vào Mỹ, trong khi đang tiếp tục gia tăng thị phần tại châu Âu và Mỹ Latin.
Về lý thuyết, nếu xây dựng nhà máy ở Mexico, với mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ, thì các hãng xe Trung Quốc có thể né thuế. Nhưng việc thắt chặt quy định đối với phần mềm và phần cứng từ Trung Quốc có thể khiến hành trình chinh phục thị trường Mỹ của họ trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể.
Vì vậy, mặc dù quy định do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất nhấn mạnh mối lo về an ninh quốc gia, nhưng nó có thể cũng có lợi cho các công ty như General Motors, giúp họ không phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ Trung Quốc như BYD.
Tuy nhiên, các đề xuất trên, nếu được thông qua, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cả các hãng xe khác vì ngày nay, rất nhiều hãng sử dụng phần cứng và phần mềm của Trung Quốc, ví dụ như Volvo hoặc Polestar (thuộc sở hữu của Tập đoàn Geely Trung Quốc), cũng như các hãng xe phương Tây đang hợp tác công nghệ mới với các đối tác Trung Quốc, thậm chí chính các doanh nghiệp ô tô, như GM và Ford.
Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ hoàn thiện quy định này vào tháng 1/2025, sau khi tiếp nhận ý kiến công chúng trong 30 ngày.