Vụ việc xảy ra vào khoảng 22 giờ ngày 20/8 trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi ô tô con đang di chuyển theo hướng từ Hà Nội đi Thái Nguyên thì gặp xe tải hết dầu dừng ở làn ngoài cùng bên trái.
Va chạm nghiêm trọng đã xảy ra khiến xe ô tô con bị hư hỏng nặng và nam tài xế điều khiển chiếc xe này tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sự việc đáng tiếc này cho thấy bên cạnh những nguyên tắc an toàn chung, các tài xế cần đặc biệt lưu ý một số điều khi lái xe trên đường cao tốc vào ban đêm, vì đó là thời điểm tầm quan sát bị hạn chế, dễ buồn ngủ, dễ chạy quá tốc độ vì đường vắng, khó tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ...
Để khắc phục những yếu tố bất lợi trên khi lái xe trên đường cao tốc vào ban đêm, tài xế cần có sự chuẩn bị tốt cả về kiến thức, kỹ năng và phương tiện.
Kiểm tra nhiên liệu và lốp xe
Bên cạnh những hạng mục kiểm tra thông thường cần có trước mỗi hành trình dài, nhiên liệu và lốp xe là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành của xe, đặc biệt là nếu bạn chuẩn bị đi trên những tuyến đường cao tốc không có hoặc ít trạm dừng nghỉ, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng.
Hãy đảm bảo rằng nhiên liệu đã đầy bình và ước lượng khoảng thời gian, địa điểm nạp nhiên liệu lần tiếp theo trong hành trình.
Hãy kiểm tra áp suất và tình trạng bên ngoài của lốp trước khi khởi hành, vì đây là bộ phận duy nhất của xe trực tiếp chạm mặt đường.
Chuẩn bị cho tình huống phải dừng xe khẩn cấp trên đường
Tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, dây phản quang, đèn pin... là những vật mà tài xế nên chuẩn bị sẵn trên xe để sử dụng như vật cảnh báo nguy hiểm trong các trường hợp phải dừng xe khẩn cấp trên đường giữa đêm tối.
Nếu không may rơi vào tình huống phải dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, tài xế cần lập tức bật đèn khẩn cấp (nút bấm hình tam giác màu đỏ trên xe), đặt vật cảnh báo nguy hiểm để thu hút sự chú ý của các tài xế khác, đồng thời khẩn trương tìm cách di chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp, thậm chí có thể phải dùng sức đẩy xe.
Bên cạnh đó, tài xế nên chuẩn bị bơm lốp, bộ dụng cụ thay lốp, cáp câu bình điện... và một vài số điện thoại cứu hộ để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp có thể gặp phải trên đường cao tốc.
Nên đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe dừng đỗ với một khoảng cách phù hợp, để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh.
Về khoảng cách đặt vật cảnh báo phía sau xe gặp sự cố, có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, dù bộ quy chuẩn này hiện được thay bằng QCVN 41:2019/BGTVT.
Theo đó, nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là dưới 20km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m.
Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là 20-35km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50-100m.
Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là 35-50km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100-150m.
Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150-250m.
Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150-250m.
Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.
Đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn
Vào ban đêm, tầm quan sát của tài xế sẽ bị hạn chế, nhất là với những đoạn đường thiếu hệ thống đèn chiếu sáng. Do đó, cần lái xe chậm hơn so với ban ngày, luôn tuân thủ giới hạn tốc độ, tập trung quan sát và chú ý giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước.
Khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông được quy định cụ thể như sau tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT (trong điều kiện đường sá khô ráo):
Trên một số đường cao tốc có sẵn các tấm biển ghi 0m, 50m, 100m hoặc 70m, 140m… chính là để giúp tài xế căn khoảng cách với xe phía trước dễ hơn.
Ngoài ra, để căn khoảng cách an toàn với xe phía trước trên đường cao tốc, các tài xế thường áp dụng quy tắc 3 giây, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường…
Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.
Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe phía trước vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.
Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng... Trong điều kiện trời mưa hoặc đêm tối, tầm nhìn bị hạn chế thì nên tăng lên thành 6 giây, tức tăng gấp đôi khoảng cách với xe phía trước.