Trong tháng 7, doanh số của phân khúc sedan cỡ B tăng mạnh, từ 2.863 chiếc vào tháng trước lên 4.184 chiếc, mức tăng 46%. Hầu hết các mẫu xe trong phân khúc có mức bán tăng, nhưng không đồng đều về tỷ lệ.
Dẫn đầu bảng doanh số là Toyota Vios với 1.745 xe giao đến khách hàng, tăng trưởng 127% so với tháng trước đó. Đáng chú ý, đây là mức kỷ lục mới về số lượng xe bán ra trong tháng tính từ đầu 2024 đến nay, phá vỡ kỷ lục 1.043 xe mà Honda City đạt được vào tháng 3.
Mức doanh số bán trên của Vios đã khiến Hyundai Accent bị đẩy xuống hạng hai, với doanh số gần như không đổi so với tháng trước, là 985 xe, tăng trưởng nhẹ chỉ 2%. Trái lại, mẫu xe xếp hạng ba là Honda City đang dần bắt kịp Accent, với 744 xe giao đến khách hàng, tăng trưởng 69% so với tháng trước.
Như vậy, doanh số Vios trong tháng 7 tương đương với hai đối thủ xếp dưới cộng lại. Sự tăng trưởng này một phần đến từ chương trình khuyến mãi giảm lệ phí trước bạ 50% cho mẫu Vios trong tháng qua. Sự đột phá trong doanh số của Vios đã giúp mẫu xe Nhật gần bắt kịp Accent, nếu xét lũy kế trong 7 tháng đầu 2024. Hiện tại Vios chỉ cách biệt với Accent 13 xe.
Mazda2 duy trì hạng bốn với 425 xe giao đến khách hàng, tăng 18% so với tháng trước. Hai mẫu xe cuối bảng đều giảm doanh số, bao gồm Mitsubishi Attrage với 247 xe (giảm 11%) và Kia Soluto với 38 xe (giảm 16%). Mẫu Suzuki Ciaz đã ngưng kinh doanh kể từ giữa năm nay, sau khi liên tiếp đứng cuối bảng trong thời gian dài.
Mẫu Accent cũng được giảm giá, nhưng mức giảm chỉ từ 10-20 triệu đồng, không nhiều bằng Vios, do đó doanh số đi ngang. City được giảm đến 100% lệ phí trước bạ, nhưng giá bán thuộc hàng cao nhất phân khúc, nên bán không nhiều bằng các đối thủ khác, mặc dù doanh số vẫn tăng trưởng mạnh so với tháng trước.
Ngoài ra, việc các xe bán chạy trong tháng 7 cũng đến từ việc khách hàng tranh thủ mua xe trước tháng 7 âm lịch (rơi vào tháng 8), thời điểm thị trường xe trầm lắng vào mỗi năm, do quan niệm hạn chế mua sắm các món đồ giá trị lớn của người Việt.
Hồ Tân