Việc Mỹ quyết định tăng gấp 4 lần thuế, từ 25% lên 100%, như dội một gáo nước lạnh vào các thương hiệu Trung Quốc đang ôm "giấc mộng Mỹ", như Zeekr và BYD, đồng thời cũng khiến một số nhà sản xuất ô tô Mỹ bối rối.
Quyết định trên được đưa ra vào tháng 5, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định giữ nguyên mức thuế do người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng, nhưng tăng các mức thuế khác, trong đó có việc tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thuế chính là lý do các mẫu Buick Electra E5 và E4 tạm hoãn ra mắt, thay vì có mặt trên thị trường Mỹ lần lượt vào năm 2025 và 2026 như kế hoạch ban đầu. Nhưng giờ đây, mức thuế mới lại chưa có hiệu lực. Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ lùi thời điểm áp dụng thuế suất mới ít nhất là hai tuần.
Đáng lưu ý, việc tăng thuế lên 100% không chỉ áp dụng với xe điện sản xuất ở Trung Quốc, mà áp dụng với cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Trung Quốc, như pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời, cần trục, thép và nhôm. Tất cả do lo ngại tình trạng bán phá giá của Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ tăng gấp đôi thuế suất, từ 25% lên 50%, đối với mặt hàng chip bán dẫn. Việc tăng thuế không chỉ áp dụng với các sản phẩm liên quan tới ô tô. Thuế áp với một số vật tư y tế, như ống tiêm và găng tay, cũng tăng mạnh.
Thuế suất 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến được áp dụng từ ngày 1/8. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức thuế này có ý nghĩa chính trị nhiều hơn là kinh tế, vì Mỹ không nhập nhiều xe điện Trung Quốc. Hiện tại, mẫu xe điện duy nhất nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc là Polestar 2.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ xem xét hơn 1.100 ý kiến đóng góp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc tăng thuế. Khi đó, thuế sẽ có hiệu lực áp dụng sau 2 tuần.
Rất nhiều ý kiến phản đối việc Mỹ tăng thuế. CEO Thomas Ingenlath của Polestar đã thể hiện sự thất vọng từ khi kế hoạch tăng thuế được đưa ra bàn thảo vào tháng 4. Hiện chưa rõ hãng có kế hoạch chuyển mẫu Polestar 2 sang sản xuất ở nước khác để né thuế không hay dừng bán luôn.
Hãng tin Reuters đã dẫn lời Cơ quan quản lý cảng New York và New Jersey thể hiện sự thất vọng trước việc Mỹ tăng thuế đối với cần trục Trung Quốc. Họ cho biết việc này tăng sức ép lên ngân sách vốn đã eo hẹp của họ. Việc tăng thuế có thể khiến chi phí nhập khẩu cần trục tăng 4,5 triệu USD.
Dựa trên thực tế thâm hụt thương mại lớn như hiện tại của Mỹ, có vẻ như các ý kiến phản hồi, đóng góp với Bộ Thương mại Mỹ sẽ không dẫn tới việc giảm thuế. Hiện chưa rõ khi nào việc xem xét các ý kiến sẽ kết thúc.