Đèn giao thông có đồng hồ đếm giây từng xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ khoảng năm 1922, giúp chính quyền các thành phố tiết kiệm một khoản ngân sách khi không phải trả tiền cho ai đó đứng điều khiển đèn thủ công. Loại đèn giao thông này từng có ở những thành phố như New York, Chicago, Philadelphia và Detroit.
Đến những năm 1950, những chiếc đèn giao thông tự động đầu tiên - không còn đồng hồ đếm ngược và cũng không cần con người can thiệp - được lắp đặt. Trong khi đó, loại đèn giao thông đếm ngược vẫn được sử dụng tại một số nơi khác trên thế giới.
Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, trái với tác dụng của đèn giao thông đếm ngược là giúp tài xế chủ động thời gian, tốc độ, thì tính năng này lại bị lạm dụng khi nhiều người tăng tốc vượt đèn vàng hoặc cố phóng thật nhanh để tranh thủ những giây cuối cùng của đèn xanh.
Một nghiên cứu của Đại học Toronto (Canada) từng chỉ ra rằng, tại các điểm giao cắt có đèn giao thông đếm ngược, số vụ va chạm giữa các phương tiện giao thông tăng lên.
Nguyên nhân là một số tài xế cố nhấn ga khi thấy đồng hồ đang đếm những giây cuối của đèn xanh. Nhưng đèn đếm ngược cũng khiến một số tài xế khác giảm tốc độ khi thấy sắp hết thời gian. Sự xung đột giữa hai xu hướng khiến nguy cơ va chạm tăng.
Người đi bộ cũng không ngoại lệ, khi một số người nhìn đồng hồ và nghĩ: "Ồ, mình còn 10 giây để sang đường". Nhưng thực tế, không phải lúc nào 10 giây cũng đủ để sang đường.
Sự biến mất của đèn giao thông đếm ngược còn ảnh hưởng bởi công nghệ tiên tiến, khi nhiều quốc gia áp dụng loại đèn có các loại cảm biến phương tiện, với sự hỗ trợ của các hệ thống kết nối hiện đại, giúp tối ưu hiệu quả của đèn tín hiệu. Ở Mỹ hay châu Âu, một số nơi, đèn giao thông đếm ngược chỉ còn dành cho người đi bộ.
Mỹ Anh