Để đánh giá mức độ khả thi của các nguyên mẫu Hilux chạy bằng nhiên liệu hydro, Toyota đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm trước khi đưa vào thương mại. Vào cuối năm 2022, Toyota bất ngờ công bố dự án phát triển phiên bản Hilux chạy bằng nhiên liệu hydro (Hilux FCEV) với khoảng đầu tư lên tới 13.8 triệu USD.
Cho tới nay, hãng cũng đã ghi nhận những kết quả đầu tiên. Theo đó, Toyota cho biết đang tiến hành thử nghiệm tới 10 nguyên mẫu Hilux FCEV tại Anh, với những bài kiểm nghiêm ngặt bắt buộc phải trải qua. Việc này sẽ tác động rất nhiều đến quyết định có hay không việc thương mại hóa mẫu xe này.
Toyota Hilux FCEV được trang bị hệ truyền động từ Toyota Mirai, có thể di chuyển đến 600 km sau mỗi lần nạp nhiên liệu. Ngoại hình của Hilux FCEV gần như tương tự với các phiên bản sử dụng động cơ truyền thống. Tuy nhiên dưới nắp động cơ gần như mọi thứ đều có sự khác biệt.
Cụ thể, hệ thống FCEV của mẫu bán tải này ba gồm ba bình hydro áp suất cao được tích hợp trong khung gầm xe, với tổng dung tích là 7.8 lít. Phía dưới nắp capo là một bộ pin nhiên liệu polymer với 330 cell, sản sinh năng lượng và lưu trữ trong pin lithium-ion đặt ở phía sau thùng xe. Đi kèm với đó là động cơ điện gắn phía sau có công suất 180 mã lực và mô-men xoắn 300Nm.
Tuy nhiên, Toyota vẫn đang tích cực nghiên cứu và phát triển việc mở rộng cũng như hình dạng các cụm pin nhiên liệu và bình chứa hydro để đảm bảo việc tương thích với nhiều loại xe. Dự kiến loại pin hydro thế hệ thứ 3 sẽ được ứng dụng vào các xe sản xuất từ năm 2026 hoặc 2027. Thế hệ pin này có thể nâng tầm hoạt động thêm 20% và giảm được chi phí sản xuất.
Hệ thống truyền động FCEV là một phần trong chiến lược đa dạng của Toyota, bao gồm xe hybrid, xe plug-in hybrid (PHEV), xe điện pin (BEV) và động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu điện tử. Toyota cũng kỳ vọng châu Âu sẽ là một trong những thị trường lớn nhất cho xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào năm 2030.
Nhiên liệu Hydro được coi là một phương án tuyệt vời trong việc làm xanh hóa thị trường ô tô, bên cạnh xe thuần điện, khi có thể nạp năng lượng nhanh và không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng việc phát triển rộng rãi vẫn còn nhiều vấn đề giải quyết, một trong số đó là trạm nạp hydro hiện số lượng vẫn còn ít hơn trạm sạc điện rất nhiều bởi chi phí xây dựng lớn và yêu cầu kỹ thuật cao.