Trong tháng 3 cũng như cả quý I, doanh số của Tesla đều giảm, theo S&P Global Mobility - hãng chuyên cung cấp dữ liệu ngành công nghiệp ôtô. Những năm vừa qua, hãng xe điện Mỹ luôn tăng trưởng.
Nhưng cũng có những điểm sáng. Một nửa các "tay chơi lớn" đang tăng trưởng và có thêm thị phần, dù sự thành công được hỗ trợ bởi việc giảm giá bán cũng như cho thuê xe, tức được cái này thì mất cái kia.
Các nhà phân tích cũng đưa ra những ý kiến khác nhau về việc thị trường từ đây sẽ đi về đâu. Một số nhận thấy phân khúc xe điện đang ế ẩm. Một số khác nhìn ra mức độ tăng trưởng khiêm tốn khi sẽ có thêm các sản phẩm mức giá phải chăng được đưa ra thị trường. Trong số sản phẩm này có Chevrolet Equinox EV, Volvo EX30 hay các mẫu xe chi phí thấp như Tesla đã hứa hẹn.
Trong tháng 3 và quý I, số xe điện đăng ký mới tăng trưởng, nhưng không nhiều. Riêng tháng 3, thị phần của dòng xe chạy pin tăng 3,8% so với cùng kỳ 2023. Nếu tính quý I, số xe điện đăng ký mới tăng 5,2%, với 264.268 xe, trong khi thị phần giảm còn 6,9%. Trong khi đó, phân khúc xe điện trong 2023 tăng 52% so với 2022.
"Nghiên cứu của chúng tôi từ năm ngoái cho thấy 7% là điểm khi đà tăng trưởng của thị phần xe điện chững lại. Tôi không nghĩ nó sẽ giảm, nhưng việc đạt 8, 10 hoặc 12% thị phần là không thực tế. Bạn cần một kiểu khách hàng đặc biệt để mua một chiếc xe điện, và loại khách này chỉ khoảng 7,5% dân số Mỹ", Karl Brauer - nhà phân tích của iSeeCars - hãng chuyên khảo sát thị trường và tư vấn mua xe có trụ sở ở Boston, Mỹ - nói.
Trong tháng 3, số xe điện Tesla đăng ký giảm 12% so với cùng kỳ 2023, và thị phần giảm còn 52,4% so với 61,5% trong năm ngoái. Mức giảm của tháng 2 còn tệ hơn, với 25%, đánh dấu tháng giảm sút đầu tiên của Tesla kể từ tháng 8/2020.
Mức giảm trong quý I của Tesla hoàn toàn do mẫu Model 3 - xe bán chạy thứ 2 của hãng. Model 3 được làm mới hồi tháng 1 và không còn nằm trong diện hỗ trợ 7.500 USD từ chính phủ do những quy định khắt khe hơn về nguồn gốc pin.
Ford có số xe điện đăng ký mới tăng gấp 3 lần trong tháng 3, củng cố vị trí thứ 2 ở phân khúc này. Số 3 thuộc về Hyundai và Kia là số 5, với cả hai thương hiệu Hàn Quốc đều tăng gấp đôi số xe đăng ký mới.
BMW (thứ 4) và Mercedes (thứ 6) cũng có mức tăng trưởng 2 con số. Ở vị trí thứ 7, startup Rivian có số xe đăng ký giữ nguyên trong tháng 3 so với cùng kỳ 2023, nhưng tính cả quý I lại tăng 30%.
Thị trường cạnh tranh hơn do sẽ có thêm các thương hiệu khác làm xe điện, và cũng khiến bối cảnh thay đổi. Đồng thời, các hãng có thể giảm đầu tư vào dòng xe xanh nếu phân khúc này dừng tăng trưởng.
Trong số 33 hãng sản xuất xe điện trong danh sách của S&P Global Mobility, nhiều thương hiệu đang mất dần vị thế hoặc không đạt được như kỳ vọng, gồm các startup đang đốt tiền.
Số xe đăng ký của Chevrolet trong tháng 3 giảm 66% sau khi dừng sản xuất mẫu xe cỡ nhỏ Bolt từ 2023. Mẫu thuần điện Blazer EV mới chỉ có 498 xe đăng ký.
Toyota có 798 xe đăng ký trong tháng 3 với mẫu thuần điện duy nhất hiện nay là bZ4X. Subaru ghi nhận 427 chiếc Solterra được đăng ký - cũng chính là sản phẩm "song sinh" của bZ4X. Con số của những thương hiệu Nhật khác gồm 819 chiếc Lexus RZ, 1.661 chiếc Nissan Ariya và 7 chiếc Mazda MX-30 đã dừng bán tại Mỹ từ giữa 2023.
Ngoài Rivian vẫn có những tín hiệu khả quan nhờ vẫn các startup khác đang gồng mình để tồn tại. Trong đó, Fisker nói hồi tháng 4 rằng hãng có thể xin phá sản.
Mỹ Anh (theo Automotive News)