Thị trường ôtô Việt Nam tiếp tục sôi động trong tháng đầu của quý II khi hàng loạt mẫu xe mới được mở bán. Phần lớn những cái tên mới đều là xe nhập khẩu, ngoại trừ bán tải Ford Ranger lắp ráp trong nước.
Dưới đây là những mẫu xe ra mắt trong tháng 4:
Suzuki Jimny
Sau nhiều lần dời lịch, Jimny cuối cùng cũng được Suzuki Việt Nam giới thiệu vào 10/4. Xe hiện đã về đại lý và giao những lượt khách đầu tiên.
Suzuki Jimny được các đại lý báo giá hơn 830 triệu đồng, chỉ một phiên bản cấu hình 3 cửa, nhập khẩu Nhật Bản. Khi bán ra, Jimny là mẫu SUV duy nhất của Suzuki tại Việt Nam. Trước đây Suzuki có chiếc Vitara nhưng đã ngưng phân phối.
Jimny trang bị hộp số tự động 4 cấp. Động cơ 1.5 công suất 102 mã lực tại vòng tua máy 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 130 Nm tại 4.000 vòng/phút. Động cơ này giống chiếc MPV XL7 của Suzuki đang bán tại Việt Nam.
Ford Everest Platinum, Ranger Stormtrak
Một ngày sau sự kiện ra mắt Jimny, Ford Việt Nam sẽ ra mắt và công bố giá bán cho hai mẫu xe mới của hãng trong tháng 4 là Ranger Stormtrak và Everest Platinum. Mẫu xe bán tải lắp ráp trong nước, trong khi bản cao cấp nhất của Everest nhập khẩu Thái Lan.
Ford Ranger Stormtrak được xây dựng dựa trên bản tiêu chuẩn Ranger với nhiều đặc điểm nhận diện riêng ở nội, ngoại thất theo hướng thể thao hơn. Bản này nhiều khả năng thay Wildtrak trở thành bản đắt nhất của dòng bán tải Ranger.
Với Everest Platinum, xe sở hữu số tiện nghi nhiều nhất và giá đắt nhất số các biến thể thuộc dòng SUV 7 chỗ thương hiệu Mỹ. Ford Everest Platinum hướng đến nhóm khách cá nhân hoặc doanh nghiệp ưu tiên tiện nghi hưởng thụ. Những nâng cấp đáng giá nhất của xe phần lớn đến từ vật liệu và tính năng bên trong.
Cả Ranger Stormtrak và Everest Platinum đều lắp động cơ 2 lít tăng áp kép, công suất 210 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm. Đi kèm là hộp số tự động 10 cấp và dẫn động 4 bánh 4WD.
Haval Jolion
Nhà phân phối của Haval tại Việt Nam nói dự kiến giới thiệu mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ Jolion và cuối tháng 4. Xe nhập khẩu Thái Lan, bán ra hai phiên bản, gồm Pro và Ultra với giá khoảng trên dưới 700 triệu đồng.
Về định vị sản phẩm, Haval Jolion có kích thước dài và rộng nhỉnh hơn tất cả các mẫu CUV cỡ nhỏ nói chung tại Việt Nam nhưng chiều cao kém hơn. Mẫu xe thương hiệu Trung Quốc có thể xem là lựa chọn lưng chừng giữa các mẫu xe thuần cỡ B như Kia Seltos, Hyundai Creta và cỡ B+ như Toyota Corolla Cross, Mazda CX-30 đắt nhất phân khúc
Jolion bán tại Việt Nam trang bị duy nhất động cơ hybrid tương tự đàn anh H6. Cấu hình là máy xăng 1.5 và môtơ điện, tổng công suất 190 mã lực, mô-men xoắn 375 Nm. Hộp số ly hợp kép 7 cấp, dẫn động cầu trước.
Volkswagen Teramont Limited Edition
Ngay đầu tháng 4, Teramont bản đặc biệt Limited Edition được giới thiệu đến khách Việt kèm giá bán 2,138 tỷ đồng. Xe nhập khẩu Mỹ, hiện sẵn xe giao khách.
So với bản thường, Volkswagen Teramont Limited Edition có thêm bệ bước chân, tính năng mở cốp rảnh tay. Ở nội thất, xe bổ sung các trang bị như sạc không dây, bàn làm việc hàng ghế sau, âm thanh 11 loa, giữ phanh tự động...
Bản đặc biệt của Volkswagen Teramont vẫn giữ nguyên động cơ tăng áp 2 lít TSI, công suất 220 mã lực tại vòng tua máy 4.500-6.200 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 350 Nm tại 1.600-4.400 vòng phút. Hộp số tự động 8 cấp, dẫn động 4 bánh toàn thời gian.
McLaren 750S
McLaren 750S là cái tên kế thừa 720S, mẫu xe khai từ vào tháng 12/2022. Mẫu siêu xe này sẽ trình làng giới mộ điệu vào 17/4 tới tại TP HCM. Xe nhập khẩu từ quê nhà Anh với giá bán chưa được tiết lộ.
Động cơ của McLaren 750S loại 4 lít V8 tăng áp kép, công suất 740 mã lực (750 PS – cách đặt tên cho chiếc xe) và mô-men xoắn 590 Nm. Hệ dẫn động loại cầu sau và hộp số ly hợp kép 7 cấp với tỷ số truyền động cuối cùng ngắn hơn để tăng khả năng tăng tốc.
Phiên bản Coupe của McLaren 750S mất 2,8 giây để tăng tốc 0-100 km/h, 0-200 km/h trong 7,2 giây và 0-300 km/h trong 7,2 giây. Với phiên bản Spider, con số 0-100 km/h tương tự Coupe, trong khi 0-200 km/h mất 7,3 giây và 0-300 km/h mất 20,4 giây. Cả hai phiên bản đều có tốc độ tối đa 332 km/h.
Phạm Trung