Tập đoàn ô tô Toyota của Nhật Bản thông báo dữ liệu công suất động cơ diesel của 10 mẫu xe bán trên toàn cầu “đã bị gian lận” và tiếp tục đưa ra lời xin lỗi về sự cố này. Cụ thể, Toyota cho biết Toyota Industries Corp – một trong những công ty con của tập đoàn này – bị phát hiện là đã làm giả dữ liệu về công suất của động cơ diesel mà họ sản xuất để dùng cho 10 mẫu xe, trong đó có những chiếc phổ biến như Hiace, Hilux, Fortuner, Innova và thậm chí có cả mẫu Land Cruiser 300 cũng như Lexus LX. Lượng xe này được bán ra rộng rãi ở Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông cùng nhiều thị trường khác.
Theo báo cáo của một hội đồng đánh giá thuộc bên thứ ba, Toyota Industries Corp đã điều chỉnh lượng phun nhiên liệu trong các thử nghiệm công suất động cơ, nhằm làm cho lượng mô-men xoắn và công suất ghi nhận được của động cơ có vẻ tốt hơn thực tế. Việc gian lận dữ liệu này đã bắt đầu từ năm 2017.
Ông Koichi Ito, Chủ tịch Toyota Industries Corp nói trong cuộc họp báo ngày 29/1 tại Tokyo: “Chúng tôi xin lỗi tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng lại uy tín công ty với ưu tiên hàng đầu là sự tuân thủ pháp luật”.
CEO của Toyota Motor là ông Koji Sato cho biết vấn đề này đã ảnh hưởng đến việc sản xuất khoảng 43.000 động cơ diesel mỗi tháng. Đối với tất cả các sản phẩm bị ảnh hưởng, Toyota đã cho ngừng khâu giao xe từ nhà máy đến đại lý cho đến khi nào giải quyết xong.
Dẫu vậy, phía Toyota chia sẻ thêm rằng thực ra vấn đề chỉ nằm ở phần mềm dùng để đo công suất đã được tối ưu để “các giá trị mã lực xuất hiện mượt mà hơn với ít biến động hơn”. Các động cơ và xe bị ảnh hưởng hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn về công suất trong cuộc kiểm tra, đánh giá do hãng tiến hành sau khi xuất hiện thông tin gian lận, nên không cần phải ngừng sử dụng chúng.
Đây là sự cố mới nhất liên quan đến tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vốn đang phải đối mặt với một loạt vấn đề về kiểm soát chất lượng trong thời gian gần đây.
Công ty con Daihatsu Motor của Toyota đã dừng tất cả chuyến hàng trong và ngoài nước vào tháng trước sau khi cuộc điều tra của bên thứ ba phát hiện rằng các cuộc kiểm tra an toàn với hầu hết mẫu xe của hãng “đều có gian lận”. Hino Motors, một công ty con khác của Toyota, vào tháng 3/2022 thừa nhận đã “gửi dữ liệu gian lận” về khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho cơ quan quản lý giao thông vận tải.