Khả năng lưu trữ năng lượng của pin thể rắn cao hơn sẽ cho phép Toyota tung ra thị trường các sản phẩm ô tô điện có phạm vi hoạt động lên tới 1.200km sau mỗi lần sạc và thời gian sạc pin cũng nhanh hơn.
Dự kiến mẫu xe Toyota đầu tiên sử dụng công nghệ này sẽ ra mắt trong vài năm tới, theo nguồn tin mới nhất từ lãnh đạo hãng.
Lộ trình này có vẻ sớm hơn tuyên bố hồi năm ngoái của Toyota và đối tác Idemitsu Kosan. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản và công ty lọc dầu cũng của Nhật dự kiến bắt tay hợp tác để phát triển và sản xuất đại trà pin thể rắn dùng cho ô tô điện vào năm 2027 và 2028.
Việc phát triển pin thể rắn hứa hẹn tạo ra bước ngoặt cho hoạt động sản xuất ô tô điện, vì ưu điểm của công nghệ này là mật độ lưu trữ năng lượng cao và an toàn. Điều đó có nghĩa là một số nhà sản xuất đang hướng tới sản xuất đại trà, trong đó có Toyota.
Nếu thành công, bước đi này sẽ giúp Toyota lật ngược thế cờ, không còn đi sau các công ty như Tesla và BYD trong phân khúc xe điện.
Phát biểu tại một hội nghị đầu tư ở Ấn Độ, ông Vikram Gulati, giám đốc Toyota Kirloskar Motor, cho biết nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ mất vài năm nữa là có thể đưa xe dùng pin thể rắn ra thị trường toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ ra mắt các mẫu xe điện dùng pin thể rắn trong một vài năm nữa. Xe sẽ có thời gian sạc pin là 10 phút và chạy được 1.200km sau mỗi lần sạc, tuổi thọ của xe sẽ rất dài", ông Gulati chia sẻ với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vài năm tới mọi người chủ yếu sẽ lái xe điện dùng pin thể rắn. Ngay cả khi xe có mặt trên thị trường, công nghệ này cũng sẽ cần vài năm để đạt được ngưỡng phổ biến.