Vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, như Tết dương lịch hay Tết Nguyên đán sắp tới, nhiều người thường lên kế hoạch tự lái xe đi dã ngoại cùng gia đình và bạn bè. Dù không mong muốn, nhưng tai nạn, bất trắc luôn có khả năng xảy ra trong hành trình, nên việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi là cần thiết.
Ngoài việc lên lịch trình di chuyển và dừng nghỉ một cách hợp lý, chúng ta còn cần chuẩn bị một số vật dụng, trang bị, cũng như các kiến thức, kỹ năng an toàn cơ bản như sau để có thể chủ động xử lý một số tình huống khẩn cấp.
Đèn pin, bật lửa, dụng cụ thoát hiểm
Chúng ta có thể dùng đèn flash trên điện thoại di động thay cho đèn pin, nhưng như vậy sẽ không được lâu. Một chiếc đèn pin nhỏ không chiếm nhiều diện tích là lựa chọn phù hợp hơn khi bạn gặp tình huống khẩn cấp lúc trời tối, như để tìm kiếm đồ vật, kiểm tra gầm xe...
Với đèn pin, chúng ta còn có thể sử dụng để phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, bật lửa dùng được vào nhiều việc, như đốt lửa sưởi ấm, nấu thức ăn, đun sôi nước, và tạo ra các tín hiệu cấp cứu. Nên chuẩn bị loại bật lửa có thể hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.
Ngoài ra, trong một số tình huống khẩn cấp đặc biệt, dù xác suất ít xảy ra nhưng vẫn nên có phương án dự phòng, như cháy xe hoặc xe rơi xuống nước, một dụng cụ thoát hiểm nhỏ được sử dụng kịp thời hoàn toàn có thể cứu mạng người, như dụng cụ cắt dây an toàn hoặc búa phá kính.
Túi y tế
Một bộ đồ sơ cứu cơ bản thường bao gồm: Gạc cuộn và gạc miếng vô trùng, băng dính y tế, băng dán vết thương, băng chun, kéo, panh hoặc nhịp, nhiệt kế, găng tay y tế, dung dịch sát trùng, nước muối sinh lý, thuốc bôi có chứa kháng sinh...
Ngoài ra, chúng ta cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc đơn giản như thuốc chữa cảm cúm, hạ sốt, giảm đau, thuốc điều trị đau bụng...
Trên xe ô tô, túi y tế cần được để ở vị trí cao, thoáng mát, tránh xa môi trường ẩm mốc, dễ dính nước mưa, nhưng cần dễ quan sát, dễ lấy khi cần thiết, ví dụ như bệ để đồ phía sau hàng ghế thứ hai hoặc ngăn găng tay phía trước.
Kiến thức sơ cứu cơ bản
Trong khuôn khổ dự án chia sẻ kỹ năng sơ cứu cơ bản - "Hiểu biết nhỏ, An toàn lớn", bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Đại học Y Hà Nội, cho biết:
"Mỗi người cần có kỹ năng sơ cứu cơ bản cần thiết để có thể kịp thời ứng phó trong những tình huống nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng. Bạn không cần phải là bác sĩ hay nhân viên y tế mới sơ cứu được. Chỉ cần bạn tìm hiểu, chuẩn bị trước các kiến thức sơ cứu cơ bản".
Dụng cụ sơ cứu, các nguyên tắc an toàn cùng các bước sơ cứu căn bản sẽ trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn khi tìm hiểu thông qua các tình huống tái hiện những tai nạn thường gặp như bị điện giật, đuối nước, đột quỵ, bỏng, xử lý vết thương hở, động vật/côn trùng cắn,...
Việc nắm được những kiến thức sơ cứu cơ bản sẽ giúp giảm thiểu những hành động sai gây nguy hiểm cho người bị nạn.
Chúc các bạn có những chuyến đi an toàn!