Tonga trông như một thiên đường nhưng lại ẩn chứa một nguy cơ đe dọa tới sức khỏe của người dân. Mỗi năm, chỉ vài nghìn ôtô nhập khẩu vào quốc đảo này nhưng do chi phí của việc đưa chúng khỏi đây quá cao, nên xe cũ không còn giá trị sử dụng chẳng bao giờ rời khỏi đây.
Thực tế, mỗi một chiếc xe đến Tonga sẽ được sử dụng lâu nhất có thể. Những chiếc ôtô chạy ngoài phố hoàn toàn có thể trong tình trạng kính nứt, sơn bị bong tróc, và động cơ vẫn miệt mài hoạt động nhờ những tài xế nhiều kỹ năng.
Nhưng rồi cũng đến lúc những chiếc xe không thể tiếp tục phục vụ chủ của chúng. Và theo thời gian, xe cũ bỏ đi cứ thế dồn lại. Trong vài thập kỷ qua, số xe phế liệu được thu gom lại. Đảo chính Tongatapu có khoảng 30.000 chiếc, với tỷ lệ được ví như một tên khổng lồ sắt đấu với 3 cư dân.
Những cơn mưa nhiệt đới khiến kim loại gỉ sét, các chất hóa học từ lớp sơn bong tróc, và cặn dầu ngấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Giờ đây, Tonga phải đối mặt với một loạt vấn đề liên quan tới ôtô cũ bỏ đi. Nhưng dường như vẫn có một phải pháp.
Năm 2020, Saimone Vuki sững sờ nhận ra dấu hiệu gỉ sét của những chiếc xe hư hỏng phía bên ngoài nhà mình. Khi đó, còn chưa có một nơi nào dành cho xe phế liệu ở Tonga, vì thế Vuki bắt đầu chủ động đi thu gom xe bỏ đi từ khắp đảo.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa những chiếc ôtô cũ ra khỏi nhà và mang đến một nơi", Vuki cho biết. Địa điểm này nằm phía cuối một con đường đất với những hàng cọ và cây khoai môn. Diện tích khoảng 3,2 ha, khu vực này hiện có hàng nghìn xe nằm chồng chất tạo thành những khối kim loại đang gỉ sét. Và đó là bãi rác chính.
Vuki không chỉ lo lắng về 30.000 chiếc xe vẫn còn nằm ì khắp Tonga, mà ước tính khoảng 10.000 xe khác sẽ bị bỏ đi trong những năm tới.
Rồi Vuki khởi động Tonga Recycling Association (TRA) - một tổ chức thành lập bởi những cá nhân và các công ty tư nhân nhằm hỗ trợ việc giảm, tái sử dụng và tái chế rác thải ở Tonga.
Tại TRA, những kim loại không chứa sắt như đồng và thiếc cũng như pin được lấy khỏi xe, xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, ở cấp độ này, hơn 3.000 bộ khung gầm không được tái chế và vẫn nằm chất đống.
Nhưng từ đầu năm nay, với sự hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan quản lý chất thải Tonga (WAL) sẽ nhận các máy đầm và ép chuyên dụng. WAL và TRA sẽ bắt đầu tái chế tất cả xe cũ bỏ đi ở Tonga trong thời gian tới.
Mỹ Anh (theo ABC News)