"Ghế gãy, xe gỉ sét khắp thân - những chiếc xe buýt của hãng Prabhati Banashree Paribahan đang chạy trên đường cao tốc. Những than phiền của người dân về những phương tiện này không có hồi kết" là những gì được viết trong bài đăng ngày 19/8 trên tờ Dhaka Post.
Vấn nạn trên tưởng chừng chỉ có cách đây vài thập kỷ, nhưng thực tế vẫn hiện hữu trên nhiều cung đường ở quốc gia Nam Á. Một bài đăng trên nhật báo Prothom Alo vào tháng 2/2021 có tiêu đề: "Mọi thứ đều thay đổi ở Dhaka, trừ xe buýt".
Mazaharul Islam, một nhân viên ngân hàng cho biết, đôi khi anh phải đi đến Kakrail ở Dhaka để làm việc. Trên quãng đường 60 km, xe buýt sẽ dừng tại 30 điểm, và thời gian hoàn thành vốn chỉ cần hai giờ thì sẽ mất 4,5 giờ. Và nếu có hành khách nào lên tiếng phàn nàn, họ sẽ gặp rắc rối với tài xế cũng như phụ xe.
Xe buýt ở Bangladesh thường có tuổi đời hơn 20 năm. Những mẫu xe cũ trầy xước khắp thân, không điều hòa, thiếu đèn, thiếu kính cửa sổ, ống xả nhả khói đen sì. Ngoài việc cạnh tranh với chính những chiếc xe buýt của các hãng khác, xe chở khách - gồm cả xe buýt hai tầng - còn tranh giành đường với xe tải, ôtô con, xe rickshaw, xe 3 bánh và xe máy.
Người dân ở Dhaka cũng như nhiều thành phố khác không có nhiều lựa chọn phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu chỉ có xe khách. Khi tình trạng đường sá không tốt, lượng phương tiện tăng, thời gian dành cho việc di chuyển của người dân cũng tăng.
Theo phân tích của Ngân hàng thế giới năm 2019, trong một thập kỷ, tốc độ di chuyển trung bình ở Bangladesh giảm từ 21 km/h xuống còn 7 km/h, tức chỉ nhanh hơn đôi chút so với tốc độ đi bộ trung bình.
Trong khi đó, như ở Dhaka, số lượng khoảng 4.000 xe buýt dường như không đủ để phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng 17 triệu người dân thành phố. Việc thiếu sự đầu tư, quản lý và kiểm tra dẫn đến tình trạng xe buýt kém chất lượng hoạt động khắp nơi. Không ít người dân chọn cách di chuyển khác thay vì xe buýt, như phương tiện cá nhân, taxi, hoặc những chiếc rickshaw vì sự tiện lợi.
Tháng 5 vừa qua, chính phủ Bangladesh quyết định rằng xe buýt và xe tải có tuổi đời trên 20 và 25 năm sẽ phải dừng hoạt động. Quy định được đưa ra sau 4 năm một ủy ban đặc biệt được thành lập nhằm thiết lập thời gian sử dụng của dòng xe thương mại, nhằm giảm số tai nạn và cải thiện tình trạng giao thông ở quốc gia này.
Tuy nhiên, hiệu quả của quy định mới chưa thể đánh giá trước bởi phụ thuộc vào việc thực thi có nghiêm túc và triệt để hay không. Đầu năm 2021, Bộ Giao thông đường bộ và Cầu đường Bangladesh từng cho biết, số phương tiện hoạt động không giấy phép là hơn 481.000 xe, tính đến hết 2020.
Mỹ Anh