Do độ tuổi đặc trưng của hành khách trên những chiếc xe buýt này, nên những quy định đặt ra thường rất nghiêm ngặt. Tài xế cần có kinh nghiệm, thường là 5 năm, và các xe cũng cần có một quản lý, thậm chí hai quản lý nếu chở nhiều học sinh.
Tại California, Mỹ, xe buýt chở học sinh phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động đặt phía sau xe, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. Như vậy, tài xế không thể quên việc kiểm tra học sinh trên xe. Các bang Tennessee, Texas, Wisconsin cũng có quy định tương tự.
Xe buýt chở học sinh ở Mỹ đều sơn màu vàng đặc trưng, kèm một số chi tiết khác như các thanh ray màu đen ốp bên hông xe. Những thanh kim loại này được cho là có chức năng như một lớp bảo vệ thêm cho thành xe mỏng, giúp hấp thu lực va chạm.
Một thanh chắn dài khoảng 1m50 gắn phía bên phải của đầu xe, sẽ mở ra phía trước khi xe dừng, giúp học sinh khi xuống xe và sang đường sẽ không đi quá gần đầu xe và khuất tầm nhìn của tài xế, theo NHTSA.
Không chỉ với bản thân xe buýt, những tài xế khác cũng phải lưu ý khi gặp phương tiện này. Ví dụ, khi xe buýt chở học sinh dừng, biển STOP được bật ra khỏi thân xe, các phương tiện từ cả hai chiều đường đều phải dừng lại, nếu đó là đường không có dải phân cách cứng.
Ở Ấn Độ, tài xế xe buýt của các trường cần có 5 năm kinh nghiệm. Mỗi xe cần một quản lý và tất cả các xe đều phải lắp hệ thống định vị, bộ giới hạn tốc độ.
Ở South Australia (một bang của Australia) còn có quy định cụ thể rằng tài xế xe buýt chở học sinh không được phép lái xe bằng chân trần hoặc đi giày cao gót, không được đeo tai nghe trong lúc lái xe. Tài xế cũng cần bật đèn chiếu gần khi xe chạy. Ngoài ra, tài xế không được phép chở học sinh nếu trước đó đã lái xe hơn 12 giờ trong vòng 24 giờ mà chưa được nghỉ ngơi tối thiểu 7 giờ liên tục.
Cũng ở bang này, xe buýt chở học sinh có dây an toàn, và tài xế nên nhắc học sinh thắt dây khi xe chạy. Trường hợp học sinh không thắt dây an toàn, tài xế không được ép buộc hay sử dụng vũ lực mà phải báo cáo với các cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, tất cả xe buýt đều phải trang bị bình cứu hỏa.
Ở Đức, quy định với xe buýt chở học sinh gần như giống với những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, thay vì màu vàng đặc trưng, xe buýt ở quốc gia Tây Âu lại có màu xanh lam. Ngoài ra, học sinh thường bị cấm mang theo chai thủy tinh lên xe. Và tùy theo quy định tại địa phương, tài xế có thể được yêu cầu bật đèn khẩn cấp khi xe ra vào bến, đó cũng là lúc các phương tiện khác không được vượt qua xe buýt chở học sinh.
Tại UAE, xe buýt chở học sinh chỉ được phép chạy đến tốc độ tối đa 80 km/h. Mọi xe đều phải trang bị hệ thống GPS. Với xe dài đến 10 m phải có một bình cứu hỏa, và xe dài trên 10 m phải có hai bình cứu hỏa. Đặc biệt, từ 2015, các nhà cung cấp xe buýt trường học đã lắp đặt hệ thống cảnh báo kiểm tra trẻ ngủ trên xe.
Hệ thống cảnh báo trẻ ngủ quên cũng được trang bị trên xe buýt chở học sinh ở Hàn Quốc từ cuối 2018. Sau khi tắt động cơ hoặc rút chìa ra khỏi ổ trong vòng 3 phút, tài xế phải xuống cuối xe và bấm một nút để khẳng định không còn bất cứ trẻ nào trên xe. Nếu tài xế không bấm nút, chuông cảnh báo sẽ reo. Hệ thống "Kiểm tra trẻ ngủ quên" được áp dụng sau khi một bé gái 4 tuổi tử vong vào tháng 7 cùng năm do bị bỏ lại 8 giờ trong xe vào một ngày trời nóng ở Dongducheon, phía bắc Seoul, theo Korea Herald.
Mỹ Anh