Theo nghiên cứu của Carfax - hãng chuyên cung cấp dữ liệu ôtô của Mỹ - khoảng 200 lệnh triệu hồi thuộc dạng nguy hiểm nhất, được khuyến cáo là "Không lái xe" hay "Hãy đỗ xe ngoài trời". Bên cạnh đó là vô số vụ ở mức độ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, ở 10 bang của Mỹ, vẫn có hơn 70.000 xe thuộc diện này vẫn được lái ngoài đường, ẩn chứa nguy hiểm chết người. Nếu tính tất cả các loại triệu hồi, khoảng 2,5 triệu xe vẫn lăn bánh trên đường mà chưa được sửa chữa. California, Texas và Florida đứng đầu danh sách với tổng khoảng 237.000-245.000 xe.
Ở những lệnh triệu hồi dạng "Không lái xe", các chủ xe thường được khuyến cáo không lái các mẫu xe bị lỗi để tránh nguy cơ tai nạn và/hoặc bị thương. Còn triệu hồi dạng "Hãy đỗ xe ngoài trời" còn nghiêm trọng hơn, do liên quan tới việc cháy nổ, và các chủ xe được khuyến cáo đỗ xe bên ngoài garage và các xa các tòa nhà.
Triệu hồi "Không lái xe" thường do túi khí lỗi của hãng cung ứng Takata. Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) nói triệu hồi liên quan đến 67 triệu xe, 23 người thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương. NHTSA cũng cho biết có đến 17 triệu xe có thể vẫn được sử dụng mà không được sửa lỗi. Cơ quan này cũng cảnh báo rằng vấn đề thậm chí trở nên nguy hiểm hơn nữa khi các hóa chất trong túi khí dễ bay hơi hơn.
Thông thường, việc triệu hồi xe có thể do hãng chủ động phát hiện lỗi và báo cáo lên cơ quan quản lý, xin được mở chiến dịch; hoặc do người sử dụng, hoặc do cơ quan chức năng phát hiện ra lỗi và yêu cầu hãng khắc phục. Tại Mỹ, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) là đơn vị thực hiện chức năng này.
Khi một lệnh triệu hồi được thực hiện, hãng xe sẽ phải liên hệ tới các chủ xe liên quan, thường qua thư điện tử. Tuy nhiên, rất khó khăn hoặc thậm chí bất khả thi khi hãng xe muốn liên lạc với người thứ hai hoặc thứ ba sở hữu chiếc xe lỗi. Điều này giải thích vì sao các mẫu xe đời cũ hơn thường có tỷ lệ không được sửa lỗi cao nhất.
Ngoài ra, khi có các lệnh triệu hồi, các chủ sở hữu ôtô ở Mỹ còn có thể chủ động tìm xem xe của mình có thuộc diện sửa chữa hay không thông qua các trang web của những cơ quan như NHTSA hay những nền tảng cung cấp dữ liệu như Carfax. Họ chỉ cần điền số VIN của xe để biết phương tiện của mình có bị triệu hồi hay không cũng như lỗi của xe là gì.
Các tài xế cũng có thể đăng ký thông tin trước với NHTSA và sẽ được hệ thống tự động liên hệ khi có lệnh triệu hồi.
Mỹ Anh (theo Forbes)