Liên quan đến chính sách này, các doanh nghiệp thành viên VIVA (gồm Audi, Bentley, Ferrari, Jaguar & Land Rover, Maserati, Morgan & Brabus, Porsche, Subaru, Volkswagen và Volvo) cho rằng, doanh số bán xe của cả sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc đều chịu áp lực nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ tương tự và công bằng vì toàn bộ thị trường cả hai nguồn gốc xe cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề.
VIVA cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước. VIVA cũng bày tỏ quan điểm, ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng chỉ trong trường hợp cùng giảm cho cả hai loại xe (nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước).
Cho rằng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước là phân biệt đối xử, đại diện 12 nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ ô tô năm 2023.
Ông Laurent Genet - Tổng giám đốc Nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam, đại diện các nhà Nhập khẩu Ô tô Việt Nam (VIVA) đã gửi văn bản cho biết, thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong ngành công nghiệp ô tô, Bộ Tài chính được giao phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu chính sách giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế ưu đãi, các ưu đãi bao gồm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) do Bộ Công Thương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/03/2023.
Được biết, ô tô sản xuất trong nước đã hai lần được giảm 50% lệ phí trong ba năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này.