Tại Mỹ và Canada từ 1986, Australia và New Zealand từ 1990, châu Âu và các quốc gia áp dụng Quy định 48 của Liên hợp quốc về lắp đặt thiết bị chiếu sáng/tín hiệu đèn từ năm 1998. Theo đó, ôtô bán ra phải trang bị đèn phanh trung tâm, được lắp cao hơn đèn phanh chính ở hai bên đuôi xe. Hiệu quả của đèn phanh trung tâm được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi luật được ban hành.
Năm 1974, nhà tâm lý học người Mỹ, John Voevodsky, thực hiện thử nghiệm gắn cụm đèn phanh trung tâm trên 343 xe taxi ở San Francisco, nhằm đối chiếu với 160 xe taxi không gắn cụm đèn này. Các tài xế được chọn ngẫu nhiên và thay đổi giữa xe có trang bị và không trang bị đèn phanh.
Sau 10 tháng, kết quả chỉ ra những chiếc taxi có đèn phanh trung tâm có tỷ lệ bị va chạm từ phía sau ít hơn 60,6% so với những taxi không gắn đèn này. Tài xế taxi có đèn phanh trung tâm bị các phương tiện khác đâm vào phía sau có tỷ lệ thương tật ít hơn 61,1% so với tài xế trên taxi không gắn, và chi phí sửa chữa khi bị tai nạn đâm từ phía sau cho taxi có đèn phanh trung tâm ít hơn 61,8%.
Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) lặp lại thí nghiệm của Voevodsky trên quy mô lớn hơn. Kết quả cho thấy đèn phanh trung tâm có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu tai nạn và thương tích.
Năm 1986, NHTSA yêu cầu tất cả ôtô mới bán ra tại Mỹ phải trang bị đèn phanh thứ ba. Theo ước tính của cơ quan này, kể từ khi đèn phanh thứ ba trở thành trang bị tiêu chuẩn, ước tính số vụ va chạm từ đằng sau giảm 200.000, thương tích giảm 60.000 và tiết kiệm được 600 triệu USD thiệt hại về tài sản trong mỗi năm.
Tân Phan (Theo APA)