Tuần tới, Jim Farley, giám đốc điều hành của Ford, sẽ tới Las Vegas để bắt đầu chiến lược thuyết phục các đại lý cắt giảm chi phí giao xe điện tới tay khách hàng, theo Reuters. Mức giảm cao nhất 2.000 USD có thể giúp hãng cạnh tranh với đối thủ chính là Tesla.
Ford từng nói với các đại lý rằng một trong những chủ đề chính của các buổi gặp gỡ là bàn luận về những thỏa thuận mới có thể chi phối cách mà các đại lý bán dòng xe điện của hãng.
Hồi tháng 7, Farley cũng nói với các nhà phân tích rằng Ford cần giảm 2.000 USD từ chi phí bán hàng và phân phối mỗi xe bán ra để cạnh tranh với Tesla và những startup xe điện khác. Các đối thủ mà vị CEO nhắc đến chủ yếu áp dụng chiến lược bán xe trực tiếp tới khách hàng mà không cần hệ thống đại lý truyền thống.
Khoảng 33% mức giảm có thể đến từ thứ mà Farley gọi là "mô hình hàng tồn thấp", khi mà khách hàng đặt mua một chiếc xe và Ford chuyển thẳng tới khách hàng thay vì đưa tới bãi của đại lý và nằm lại đó suốt hàng tuần hoặc hàng tháng.
"Chúng tôi nghĩ điều đó có giá trị khoảng 600-700 USD trong hệ thống", Farley nói với nhà phân tích. Trong khi đó, Tesla cũng có thể điều chỉnh giá rất nhanh trên website, và giữ lại phần lớn phần lời từ việc tăng giá.
Các đại lý nói họ kỳ vọng Ford giới thiệu tóm tắt các khoản đầu tư tối thiểu cho hệ thống trạm sạc cũng như thiết bị khác để hỗ trợ cho khách hàng mua xe điện. Một câu hỏi quan trọng là tốc độ mà các đại lý có thể thực hiện khi lắp đặt trạm sạc - thứ mà các đại lý nói có thể tốn tới 500.000 USD.
Trên thế giới, Tesla là hãng đầu tiên thành công với mô hình bán xe trực tiếp tới khách hàng mà không cần đại lý, dù gặp nhiều chông gai trắc trở. Cách làm của Tesla còn tạo ra xu hướng khi các startup xe điện mới cũng học theo, thậm chí gây áp lực đối với các thương hiệu lâu đời về việc tái cấu trúc hệ thống phân phối, giảm bớt hệ thống đại lý.
Việc Ford dịch chuyển sang mô hình giống Tesla có thể vạch ra giới hạn rõ ràng về biên lợi nhuận mà đại lý có thể kiếm được khi bán xe mới. Nhưng các đại lý cũng cho rằng luật nhượng quyền kinh doanh hiện hành ở Mỹ có thể là công cụ để các đại lý kháng cự trước nỗ lực của Ford nhằm thiết lập giá bán cố định hoặc các mức phí giao xe cố định đối với dòng xe điện.
Hồi tuần trước, General Motors (GM) - một đối thủ lớn khác của Ford - nói rằng có thể mua lại các đại lý Buick ở Mỹ nếu họ không muốn đầu tư theo yêu cầu để chuyển dịch sang dòng xe điện. Buick là thương hiệu con thuộc GM và có lộ trình chuyển sang sản xuất toàn xe điện đến hết 2030. Ngoài ra, GM cũng có kế hoạch giảm 40% số đại lý của một thương hiệu con khác là Cadillac.
Josh Sloan, quản lý cấp cao của hai cửa hàng bán xe Ford cũng như một đại lý Lincoln thuộc tập đoàn ôtô LaFontaine ở Michigan, nói hãng của ông đã chuẩn bị đầu tư những gì cần thiết để chuyển sang xe điện. "Tôi ngạc nhiên là không có những tiêu chuẩn cao hơn đến từ Ford sớm hơn. Chúng tôi đang chuyển dịch rất nhanh. Nếu bạn không tham gia, bạn sẽ thua cuộc".
Mỹ Anh