Theo các chuyên gia, thiên tai khiến việc bảo hiểm nhà cửa ngày càng tốn kém hơn và có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Jeremy Porter, giám đốc nghiên cứu tại First Street Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận xác định rủi ro khí hậu cho biết: "Thảm họa thiên nhiên đang xảy ra thường xuyên hơn và chúng gây chịu nhiều thiệt hại hơn".
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, thời gian qua có 20 thiên tai gồm băng sâu, cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy... gây tổng thiệt hại 145 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết điều này kết hợp chi phí xây dựng lại tăng, thiếu lao động và nhu cầu bảo hiểm tăng vọt đã khiến phí bảo hiểm tài sản cao hơn.
Theo báo cáo của Policygenius, khoảng 90% người tham gia bảo hiểm nhà ở Mỹ đã chứng kiến phí tăng vọt từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022, tốn thêm trung bình 134 USD mỗi năm. Báo cáo cho thấy mức tăng trung bình là 12,1% so với một năm trước đó.
Nhà hoạch định tài chính Brad Wright tại Massachusetts, Mỹ cho biết, xói mòn và nước biển dâng đang khiến khách hàng bận tâm hơn đến bảo vệ bất động sản ven biển. Họ có thể vô tình mua hoặc sở hữu nhà ở những khu vực dễ bị lũ lụt.
Theo First Street Foundation, tháng 10/2021, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đánh giá chính xác hơn rủi ro lũ lụt, khiến phí bảo hiểm của một số tài sản ven biển tăng từ mức 700-800 USD lên mức 4.000 - 5.000 USD mỗi năm.
Nhìn chung trên thị trường, phí bảo hiểm tài sản đang tăng vọt lên. Ông Wright nhận định những đợt tăng giá này có thể rất đắt đối với các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những người đang sống trong nhà được thừa kế. "Những ngôi nhà thừa kế đã tồn tại lâu và họ có thể không có thế chấp. Vì vậy, những ngôi nhà này có thể không cần bảo hiểm lũ lụt nhưng có vẫn tốt hơn", ông nói.
Theo ông Michael Barry, Giám đốc truyền thông Viện Thông tin Bảo hiểm Mỹ, mặc dù tổn thất do cháy rừng cũng nằm trong phạm vi bảo hiểm nhà ở nhưng phí tại các khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn cũng đắt đỏ hơn. "Các công ty bảo hiểm nhà đang tìm cách định giá lại chính sách để phản ánh rủi ro", ông nói.
Trong khi đó, ông Bill Parrott, Chủ tịch kiêm CEO của Parrott Wealth Management cũng thấy phí bảo hiểm tăng ở các khu vực có rủi ro cao. "Nếu khách hàng ở trong một khu vực dễ xảy ra cháy rừng hoặc lũ lụt, chi phí bảo hiểm sẽ tăng đáng kể, có thể là một khoản chi lớn đối với rất nhiều người", ông nói.
Ông Barry cũng đề xuất bất kể sống ở đâu, điều quan trọng là khách hàng phải chuẩn bị phương án bảo hiểm trước khi mua nhà. Trước khi đưa ra quyết định, khách hàng cũng có thể sử dụng các công cụ đo lường rủi ro khí hậu dài hạn cho ngôi nhà.
Chuyên gia Howard của Policygenius cho rằng khách hàng nên chủ động yêu cầu nhà cung cấp bảo hiểm giảm giá để sở hữu bảo hiểm tài sản, bảo vệ ngôi nhà khỏi thiên tai. Bạn cũng có thể tiết kiệm tiền bằng cách khảo giá trên thị trường và kết hợp các chính sách bảo hiểm nhà và ôtô. Bảo hiểm tài sản không còn là một loại hình "đặt rồi quên". Nếu đủ tiền tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp, khách hàng có thể cân nhắc giảm phí bảo hiểm, ông Howard tư vấn.
Thanh Thư (theo CNBC)