Giấc mơ xe điện Trung Quốc: Cuộc đua tìm 'dầu trắng' Car Bank Insurance
cbi.lienhe@gmail.com
12.08.2022 09:03

Thế giới chưa tìm ra cách "cai nghiện" lithium từ Trung Quốc bởi nước này đang thống trị chuỗi cung ứng về pin lithium-ion.

 

Cảng công nghiệp Kwinana ven biển phía tây Australia là một chấm nhỏ trên bản đồ năng lượng thế giới. Từ năm 1955, nơi đây đã đặt một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực của BP (British Petrolium), cung cấp đến 70% nhiên liệu cho vùng bờ tây nước này.

Nhưng giờ nhà máy đã đóng cửa, từ tháng 3/2021. Những thùng dầu từng đầy ắp đang trở thành phế liệu, han gỉ trong bầu không khí mặn chát muối biển.

Nhưng dưới lớp đất đó không chỉ có dầu. Australia hiện nắm giữ gần một nửa lượng lithium trên toàn cầu - thứ được coi là "dầu trắng" của tương lai. Máy móc nơi đây lại bắt đầu làm việc, trong cuộc chạy đua đảm bảo nguồn cung năng lượng sạch – thứ mà thế giới đang bị Trung Quốc áp đảo.

Khoảng 30 năm qua, lithium trở thành một trong những tài nguyên được săn đón hàng đầu. Nó là thành phần không thể thiếu của hệ thống pin, thứ nằm trong những chiếc smartphone hay laptop bạn đang dùng đọc bài báo này. Và đương nhiên, cả những chiếc xe điện.

Cho đến gần đây, lithium đào được từ các mỏ tại Australia vẫn phải đưa đến nơi khác để xử lý. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc có vị thế đặc biệt. Quốc gia này tiêu thụ đến 40% trong số 93.000 tấn lithium thô được khai thác trên toàn cầu vào năm ngoái. Hàng trăm nhà máy khổng lồ trên khắp cả nước đang sản xuất hàng triệu pin EV cho thị trường nội địa và các hãng xe như BMW, Volkswagen hay Tesla.

Trung Quốc đang chiếm đến 80% thị phần pin lithium-ion, theo ước tính của Bloomberg NEF. Sáu trong số 10 nhà sản xuất pin EV lớn nhất có trụ sở tại Trung Quốc, riêng CATL đã chiếm hơn 30% thị phần. Sự áp đảo này còn thể hiện qua chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nước này đã ký những hợp đồng ưu đãi với các quốc gia giàu lithium, hưởng lợi từ các khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ trong việc khai thác và sản xuất.

Điều này khiến phần còn lại của thế giới phải lo lắng. Mỹ và EU đang cố gắng chạy đua, để "cai nghiện" lithium từ Trung Quốc trước khi quá muộn.

Một chiếc ôtô điện cần khoảng 30-60 kg lithium. Ước tính đến 2034, Mỹ cần khoảng 500.000 tấn lithium thô hàng năm để phục vụ sản xuất xe điện – con số lớn hơn nguồn cung toàn cầu vào năm 2020. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại có thể xảy ra khủng hoảng như dầu mỏ, ở cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraina. Một kịch bản như vậy có thể dẫn đến việc Trung Quốc cắt đứt nguồn cung cấp nguyên liệu làm ra pin.

"Nếu Trung Quốc quyết tâm xây dựng thị trường trong nước, giá pin lithium-ion ngoài biên giới nước này chắc chắn sẽ đắt hơn", Giáo sư năng lượng và môi trường Andrew Baron, Đại học Swansea nói. "Nâng cao năng lực sản xuất pin đang là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết tại phương tây".

Dù khá chậm, nhưng các nước phương tây đang nỗ lực. Theo đúng kế hoạch, đến 2025, Mỹ sẽ có thêm 13 siêu nhà máy, cùng 35 nhà máy nữa tại châu Âu đến năm 2035. Những kế hoạch này vẫn đang là giả thiết, bởi khá nhiều dự án chậm trễ vì vấn đề hậu cần, sự phản đối của người dân, đáng chú ý nhất là nhà máy của Tesla gần Berlin, Đức.

Nhưng các nhà máy khổng lồ này vẫn rất cần lithium. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sử dụng Luật Sản xuất Quốc phòng để đầu tư vào các mỏ lithium và những vật liệu cần thiết khác đề sản xuất pin nội địa, dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia.

"Tôi sẽ sử dụng đạo luật sản xuất quốc phòng để huy động chuỗi cung ứng tại Mỹ, cung cấp nguyên liệu cần thiết cho pin xe điện và thiết bị trữ năng lượng tái tạo. Chúng ta cần chấm dứt phụ thuộc dài hạn vào Trung Quốc và những nước khác đối với những thành tố đầu vào của năng lượng tương lai", Tổng thống Mỹ nói trong đợt xả kho dầu chiến lược, nhằm bình ổn thị trường giữa chiến sự Ukraine.

Bên kia đại dương, các nhà lãnh đạo EU cũng đang soạn thảo luật nhằm tạo chuỗi cung ứng khép kín tại châu Âu, tập trung vào tái chế lithium.

Nhưng có một công đoạn không thể bỏ qua – chế biến từ quặng thô sang lithium carbonat hay lithium hydroxide để làm ra pin. Đây là quy trình tốn kém và phức tạp. Theo ước tính, Mỹ có thể cần đến hàng chục năm và 175 tỷ USD để bắt kịp Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân này hiện kiểm soát 2/3 năng lực chế biến lithium của thế giới, giúp họ củng cố vị thế trên thị trường pin toàn cầu trong nhiều năm tới.

Nếu không đầu tư vào công đoạn này, quặng lithium đào lên từ các mỏ tại Mỹ hoặc châu Âu sẽ phải chuyển sang châu Á chế biến, trước khi đưa về nước để sản xuất pin. Rõ ràng, con át chủ bài này đang nằm trong tay Trung Quốc.

 

Trở lại khu cảng công nghiệp Kwinana ven biển phía tây Australia, dường như mọi thứ đang đi đúng hướng. Một nhà máy chế biến quặng lithium được xây dựng ngay trên móng nhà máy lọc dầu cũ của BP. Hồi tháng 5, những mẻ lithium hydroxide tinh khiết dùng để làm pin đầu tiên đã ra lò. Nhưng điều này không giúp gì nhiều Australia trong việc tự chủ, chế biến và bán lithium của riêng mình. Nhà máy đó là một liên doanh, cổ đông chính lại là một doanh nghiệp Trung Quốc có tên Tianqi Lithium, hiện đang kiểm soát khoảng 50% sản lượng lithium toàn cầu.

Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi trong chuỗi cung ứng sản xuất pin. Tianqi cũng có cổ phần ở công ty khai thác mỏ lớn nhất Chile và Greenbushes – mỏ lithium lớn nhất Australia. Cả Tianqi và đối thủ của họ ở Trung Quốc là Ganfeng Lithium đã thỏa thuận nhiều thương vụ tại "Tam giác Lithium" Nam Mỹ, gồm khu vực giàu khoáng sản trên dãy Andes, giữa ba nước Argentina, Bolivia và Chile.

Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự với các nguyên tố đất hiếm khác, cần để làm pin như Cobalt. Trung Quốc cũng kiểm soát đến 70% ngành khai thác mỏ tại Congo, nơi chứa hầu như toàn bộ trữ lượng cobalt trên thế giới.

Ngoài việc nắm giữ nguồn cung lithium toàn cầu, Trung Quốc cũng đẩy mạnh việc khai thác và sản xuất trong nước. Dù chỉ chiếm khoảng 10% trữ lượng lithium toàn cầu, nhưng nước này đang đứng thứ ba thế giới về sản xuất lithium, sau Australia và Chile. Vị thế của Trung Quốc trên thị trường lithium không diễn ra trong một sớm một chiều.

Từ 2015, lithium trở thành ưu tiên quốc gia như một phần của chiến lược "Made in China". Khoảng 60 tỷ USD được nước này trợ giá để tạo ra thị trường xe điện và chuỗi cung ứng pin toàn cầu. Các công ty làm pin đầu tư hàng tỷ USD vào nguồn lithium nội địa, quy mô lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng là nước duy nhất có thể tự chủ hoàn toàn các công đoạn, đưa lithium từ quặng thô đến pin hoàn thiện, không cần nhập khẩu bất kỳ hóa chất hay thiết bị nào.

Đây là hệ quả của môi trường chính trị khuyến khích các công ty tập trung giảm chi phí sản xuất lithium, thay vì tối ưu lợi nhuận cho các cổ đông.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn chưa sản xuất đủ lithium để đáp ứng nhu cầu trong nước, họ vẫn cần nhập khẩu thêm cobalt, niken, đồng và than chì, những nguyên liệu khác của hệ thống pin. Bởi thế, họ vẫn cần sự hợp tác. Cả Trung Quốc và phương tây đều chẳng thích thú gì với chiến tranh thương mại, nhưng sự cân bằng quyền lực có thể thay đổi bởi hai bên đều nỗ lực tự chủ về năng lượng. "Đó là một hệ thống đan xen, bởi cả phương tây và Trung Quốc đều đang phụ thuộc vào nhau", Lukasz Bednarski, tác giả cuốn "Lithium: Cuộc đua thống trị pin và năng lượng mới" nói.

Còn Giáo sư Andrew Baron, Đại học Swansea cho rằng, không bên nào quan tâm đến việc bắt đầu một cuộc chiến thương mại. "Nếu Trung Quốc quyết định không xuất khẩu bất kỳ loại pin xe điện nào, phương tây có thể không xuất khẩu niken sang Trung Quốc", ông nói. "Hiện Trung Quốc chưa có các nhà máy để sản xuất niken có độ tinh khiết cao nhất".

Trong khi phương tây đang chạy đua xây mỏ và nhà máy thì Trung Quốc bắt đầu khai thác tại Tân Cương và các mỏ muối ở cao nguyên Tây Tạng.

Về cơ bản, lithium không phải loại vật liệu quá khan hiếm. Khi giá cả theo thang, các công nghệ mới có thể khả thi hơn về mặt kinh tế, như cách chiết xuất lithium từ nước biển, hoặc tạo ra những công nghệ pin không cần đến quá nhiều lithium. Tuy nhiên trong ngắn hạn, sự thiếu hụt nguồn cung có thể khiến giá nguyên liệu tăng vọt, ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng chuyển sang sử dụng xe điện trên toàn cầu.

Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc sẽ nắm ưu thế lớn, bởi Nio hay MG (sở hữu bởi Trung Quốc) đang bán ra những mẫu xe điện giá rẻ nhất thị trường. "Các hãng xe châu Âu do Trung Quốc kiểm soát sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ từ Mỹ hay châu Âu", Barron nói.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy lithium ở Kwinana sẽ có công suất khoảng 24.000 tấn lithium hydroxide mỗi năm. Nhưng quặng khai thác tại Australia, chuyển thành pin ở Hàn Quốc hoặc Thụy Điển, rồi lắp vào xe điện bán ở châu Âu hoặc Mỹ - đều sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc trên từng km trong suốt hành trình.

Nhà máy lọc dầu của BP vẫn còn đó, như một đài tưởng niệm cho cuộc đua hàng thế kỷ về năng lượng hóa thạch từng diễn ra và thay đổi thế giới.

Một cuộc đua mới đã bắt đầu và người chiếm thế thượng phong hẳn nhiên là Trung Quốc.

Thành Nam - Quang Anh lược dịch

Chủ đề "Giấc mơ xe điện Trung Quốc" được VnExpress lược dịch từ Wired, chuyên trang hàng đầu về xe điện. Phần tiếp theo: Cỗ máy nghe trộm bốn bánh.
( vnexpress.net)
Tin khác
Showroom
Showroom
số 02, Đại Lộ Bình Dương, Khu Phố Trung, P. Vĩnh Phú, TP. Thuận An, T. Bình Dương
115 Lý Chính Thắng,Phường Võ Thị Sáu,Quận 3,Thành Phố Hồ Chí Minh
682A, Trường Chinh, Phường 15, Quận Tân Bình
682A Trường Chinh , Phường 15 , Quận Tân Bình
04 Đại Lộ Bình Dương, Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương
Ôtô đang bán

Ford Ranger Wildtrak 2023

Ford Ranger Wildtrak 2023
Hồ Chí Minh
Số tự động
877 Triệu

Ford Everest Titanium 2022 2 cầu full options

Ford Everest Titanium 2022 2 cầu full options
Hồ Chí Minh
Số tự động
1 tỷ 077 triệu

Ranger Limited 4x4 2021

Ranger Limited 4x4 2021
Hồ Chí Minh
Số tự động
659 Triệu

Ford Ranger XLS AT 4x2 2020

Ford Ranger XLS AT 4x2 2020
Hồ Chí Minh
Số tự động
550 Triệu

Volkswagen Viloran

Volkswagen Viloran
Hồ Chí Minh
Số tự động
1 tỷ 989 triệu